Cộng đồng doanh nghiệp: Thay đổi để thích ứng và phát triển

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều thay đổi. Cụ thể, trước đại dịch công xưởng toàn cầu chỉ tập trung vào Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á, nhưng dịch Covid-19 đã khiến kinh tế toàn cầu cần phải đa dạng nguồn cung, thay vì tập trung vào một số thị trường. Điều này buộc nhiều doanh nghiệp trong nước phải thay đổi chiến lược để thích ứng nếu không muốn tụt lại phía sau.

Linh hoạt chuyển đổi sản xuất kinh doanh
Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây nhiều tổn thất hết sức nặng nề về kinh tế, xã hội cho nhiều quốc gia trên thế giới, và tác động tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp trong nước.
Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), tính từ đầu năm 2021 đến nay cả nước có hơn 97.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ngoài ra, theo khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có xấp xỉ 94% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, và khoảng 71% doanh nghiệp tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước đó. Các số liệu điều tra toàn quốc của VCCI cũng cho thấy, 91% doanh nghiệp phải chấp nhận giảm quy mô lao động trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, khi dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh từ tháng 4 đến tháng 8/2021, đã gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trên cả nước nhất là doanh nghiệp phía Nam. Trong giai đoạn này, hầu như tất cả hoạt động kinh tế tại khu vực phía Nam đều ngưng trệ. Để thích ứng và vượt qua khó khăn khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đã có cách làm mới, thay đổi hình thức sản xuất kinh doanh để vượt qua khủng hoảng. 
 Doanh nghiệp tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.
Theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh Phan Minh Thông, để vượt qua giai đoạn khó khăn này doanh nghiệp đã chú trọng phát triển chiều sâu, áp dụng kỹ thuật số, thay đổi phương thức kinh doanh như xây dựng sàn thương mại điện tử, bán hàng qua app… Điều này giúp doanh số các sản phẩm bán trong nước năm 2021 ước tính tăng 50% so với năm 2020, lên mức 100 tỷ đồng và đã có lãi. Ở mảng xuất khẩu cũng có sự tăng trưởng ấn tượng khi doanh số cao hơn so với các năm 2019 và 2020.
Trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, Masan Group đã có nhiều cách làm mới để thích ứng với hoàn cảnh dịch Covid-19 hoành hành trên cả nước. Cụ thể vào tháng 5/2021 Masan Group đã hợp tác với nhóm các nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia. Trong khuôn khổ thỏa thuận, Masan sẽ hợp tác với Lazada để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, tăng tốc phát triển thị trường bán lẻ tích hợp từ offline đến online (“O2O”) tại Việt Nam, thúc đẩy nhu yếu phẩm trở thành mặt hàng được mua sắm với tần suất hàng ngày trên kênh online.
Việc chuyển đổi số kịp thời đã góp phần thúc đẩy doanh số kênh online tại hệ thống VinMart, VinMart+ của Masan. Theo đó, doanh số bán hàng qua online tăng gấp 3 lần vào tháng 6/2021 so với quý 1/2021. Đặc biệt, tại 4 siêu thị tại TP Hồ Chí Minh, kênh online đóng góp hơn 10% vào doanh số trong tháng 7/2021.
Nắm bắt các cơ hội để bắt kịp tốc độ hồi phục
Bắt đầu từ tháng 10/2021 đến nay Việt Nam bước vào giai đoạn bình thường mới, sống chung với dịch. Để nền kinh tế sớm phục hồi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với nhiều cơ chế chính sách giúp các ngành, địa phương đặc biệt là các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Để thích ứng trong tình hình mới, các doanh nghiệp cũng bắt tay vào tăng tốc sản xuất để phục hồi trở lại. Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, yếu tố ảnh hưởng từ đại dịch còn rất lớn, bởi chưa ai dự báo được đại dịch sẽ đi đến đâu, bao giờ thì hết, nên rủi ro tiềm ẩn vẫn nhiều, dù Việt Nam đã xác định sống chung an toàn với dịch bệnh.
Do đó, trong bối cảnh thích ứng mới có nhiều thay đổi và biến động vì vậy trong đầu tư, kinh doanh doanh nghiệp cần phải tăng tính linh hoạt để nắm bắt các cơ hội, bắt kịp tốc độ hồi phục thế giới và các xu hướng mới của thị trường; tăng cường tốc độ kết nối dựa trên nền tảng số hóa; chú trọng đến nguồn vốn xã hội (phát triển theo hướng bền vững, nhân văn…); đầu tư tư xanh, đầu tư thông minh.
Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng khẳng định vẫn đang chú trọng vào chuyển đổi số thông qua đầu tư các phần mềm quản trị hệ thống bởi việc này làm tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp như ít dùng con người hơn, nhanh hơn và có thể làm việc từ xa để thích ứng với dịch. Đây cũng là biện pháp giúp các doanh nghiệp có thể đối phó tốt hơn với biến động thị trường do đại dịch gây ra.
 Masan Group đang xây dựng giải pháp offline đến online (O2O) cho hệ sinh thái tiêu dùng ''Point of Life''
Cùng với đó các doanh nghiệp cũng đang cố gắng khắc phục những khó khăn do tác động của Covid-19 bằng việc tổ chức tốt sản xuất kinh doanh và tiếp tục thực hiện mục tiêu đầu tư, mở rộng sản xuất, xuất khẩu và không để đứt gãy chuỗi sản xuất kép kín đã hoạch định từ trước. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu thích ứng bằng cách ứng dụng công nghệ mới nhằm đảm bảo đúng tiêu chí của Chính phủ và địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động.
Dẫn chứng rõ nhất là tại Masan Group, hiện đơn vị đang tiếp tục xu hướng chuyển đổi số; từ tháng 9/2021, Masan đã mua lại 70% cổ phẩn của Công ty CP Mobicast nhằm số hóa nền tảng và xây dựng một giải pháp thống nhất từ offline đến online (“O2O”) cho hệ sinh thái tiêu dùng “Point of Life”. “Đây là hệ sinh thái tiêu dùng duy nhất phục vụ từ nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính đến dịch vụ số, chiếm khoảng 80% chi tiêu của người Việt Nam”- đại diện của Masan chia sẻ.