Cộng đồng Hà Nội chung tay quyết tâm chống rác thải nhựa

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 9/6 tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, hàng nghìn người dân cùng các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tại Hà Nội đã tham gia diễu hành hưởng ứng lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa do Bộ TN&MT phối hợp với UBND TP Hà Nội và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức.

 Bác Huỳnh Thị Thảo (người đứng đầu tiên bên phải) cùng chị em phường Lê Đại Hành hưởng ứng chương trình.
Bác Huỳnh Thị Thảo (tổ trưởng tổ dân phố 3C phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng với các bác, cô chú, anh chị em trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã có mặt ở khu vực tượng đài Lý Thái Tổ từ rất sớm để hưởng ứng lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa.
Theo bác Thảo, gia đình bác trước đây vẫn dùng túi nilon, ống hút nhựa, các chai đựng nước giải khát, hộp xốp nhựa đựng thức ăn… Song, từ khi hiểu về tác hại của sản phẩm nhựa dùng một lần, bác đã cùng mọi người nhắc nhở nhau hạn chế tối đa sử dụng các sản phẩm này trong sinh hoạt.
“Không dễ để thay đổi thói quen nhưng nghĩ đến tác hại của nó để điều chỉnh hành vi cho phù hợp. Tôi cho rằng, cần phải quyết tâm và tạo sự lan toả phong trào chống rác thải nhựa trong cộng đồng. Tham dự lễ ra quân, tôi càng thêm quyết tâm cao  tinh thần chống rác thải nhựa ngay với bản thân, gia đình mình và tạo sự lan toả ra bà con khối phố, cộng đồng”- bác Thảo cho biết.
 Hai mẹ con chị Cao Thị Thu

Hào hứng với tinh thần vì một thành phố không rác, hai mẹ con chị Cao Thị Thu (tổ 19, Đức Giang, Long Biên, Hà Nội) đã rất phấn khởi khi tham gia lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa. Chị Thu cho biết, chị là thành viên của tổ chức Trashpacker - một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường, vì thế chị  thường tham ra dọn rác mỗi tháng ở các địa điểm khác nhau trên địa bàn TP Hà Nội.
“Chỉ là người kinh doanh tự do nhưng tôi thấy hoạt động dọn rác vì môi trường có ý nghĩa thiết thực nên đã tham gia. Thỉnh thoảng tôi cũng cho con gái nhỏ của mình đi cùng, để con có ý thức với môi trường hơn ngay từ khi còn bé. Hôm nay, lễ ra quân diễn ra sớm nên hai mẹ con phải dậy từ 5h sáng. Cảm giác thật hạnh phúc khi mình được tham gia hoạt động có ý nghĩa cho cộng đồng” – chị Thu chia sẻ.
 Em Nguyễn Như Khôi - học sinh lớp 8A2 Trường THCS Chu Văn An

 Dù đang là học sinh nhưng em Nguyễn Như Khôi (học sinh lớp 8A2, trường THCS Chu Văn An, Hà Nội) đã luôn ý thức được tác hại của các đồ nhựa dùng một lần. Vì thế, em thường mang nước lọc đựng vào bình thuỷ tinh đi học để sử dụng. Em chia sẻ mình không cảm thấy phiền hà hay ngại bị trêu chọc là “quê”.
“Học sinh chúng em hay có sở thích ăn quà vặt. Hầu như quà vặt đều có sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, như vậy lại vô tình xả rác  nhựa ra môi trường. Tham gia chương trình hôm nay, em thật sự mong muốn tất cả các bạn học sinh cùng chung tay  bảo vệ môi trường; quyết tâm nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” – Như Khôi  tâm sự.
 Đông đảo người dân thích thú với các sản phẩm thân thiện với môi trường của Thịnh Đạt.
Với tư cách là một doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm dịch vụ - quà tặng trên toàn quốc, ông Phạm Ngọc Long (Giám đốc Công ty CP Quốc tế Thịnh Đạt) cho biết, hiện nay các sản phẩm nhựa và túi nilon là những vật dụng phổ biến, quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của người dân chính là tác nhân gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Hiểu rõ được điều này, từ lâu  Công ty Thịnh Đạt đã nghiên cứu và chuyên sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường như ống hút tre, ống hút inox, ống hút từ gạo, các sản phẩm được sản xuất từ thân cây lúa mì…
“Hôm nay, Công ty CP Quốc tế Thịnh Đạt chúng tôi đã chính thức tham gia vào Liên minh chống rác thải nhựa trên toàn quốc với mong muốn chung tay bảo vệ môi trường sống và mang đến những sản phẩm bền đẹp, thời trang nhưng vẫn thân thiện, an toàn cho người tiêu dùng “ – ông Long nói.
Được biết, cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và tốc độ đô thị hóa cao, cũng như các đô thị khác trong khu vực và trên thế giới, TP Hà Nội cũng đang phải đối mặt với những tác động do ô nhiễm môi trường, biến đối khí hậu, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững. Mỗi ngày, trên địa bàn TP khối lượng rác sinh hoạt phát sinh từ 5.500 - 6.000 tấn, trong đó rác thải nhựa chiếm đến 8 - 10%. Với đặc tính bền, khó phân hủy, các sản phẩm nhựa và túi nilon đã và đang là một thách thức đối với môi trường, gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Nhận thức rõ tác hại của rác thải nhựa và tầm quan trọng của việc chuyển đổi sản xuất và tiêu thụ theo hướng các-bon thấp, tăng trưởng xanh, TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch hành động số 206/KH-UBND ngày 31/10/2018 nhằm thực hiện chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong đó, tập trung triển khai phổ biến nâng cao nhận thức về sản xuất, tiêu dùng bền vững các sản phẩm thay thế nhựa và túi nilon; xây dựng mô hình “các điểm kinh doanh xanh”; kết nối lĩnh vực phân phối- dịch vụ bền vững, thân thiện môi trường; xây dựng cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường;
Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng đang triển khai chương trình thí điểm phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa giấy thành các sản phẩm sinh thái an toàn tại các trường tiểu học và mầm non trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; chuỗi các cửa hàng café Highland tại Hà Nội đã ký cam kết phân loại và thuê tái chế cốc nhựa dùng một lần và ống hút nhựa; thí điểm mô hình “Không gian xanh – Cacbon thấp” tại một số quận/huyện, trong đó hỗ trợ xây dựng các sân chơi cho trẻ em với các thiết bị và nguyên liệu tái chế từ chai nhựa và túi nilon, lốp xe, và các sản phẩm khác từ chính các hộ gia đình... nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và giảm thiểu rác thải nhựa…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần