Công khai dự án vi phạm để dân giám sát

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP vừa có báo cáo kết quả đợt giám sát tình hình sử dụng đất của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án trên địa bàn TP (trọng tâm là các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách).

Trong đó chỉ ra hàng loạt những dự án vi phạm và thể hiện quan điểm cương quyết xử lý, thu hồi.

Xử lý vi phạm thiếu cương quyết

Thống kê sau giám sát được Ban đưa ra cho thấy, có 209 dự án chậm đưa đất vào sử dụng trên 12 tháng liên tục kể từ khi được giao đất trên thực địa; 172 dự án chậm tiến độ thực hiện dự án trên 24 tháng (có cả dự án chậm GPMB), 72 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính (số tiền 4715 tỷ đồng); 130 dự án sử dụng đất sai mục đích hoặc sai quy hoạch... Có những dự án vi phạm nhiều hình thức như Công ty TNHH MTV 19/12 thực hiện dự án xây dựng công trình công cộng dịch vụ thương mại và văn phòng cho thuê tại phường Yên Hòa (Cầu Giấy)...
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trước thực trạng này, Ban Kinh tế Ngân sách cho rằng việc xử lý vi phạm còn hạn chế, thiếu kiên quyết. Một số dự án vi phạm kéo dài nhiều năm nhưng chậm phát hiện, chậm xử lý, có dự án đã từng được đoàn giám sát của HĐND kiến nghị xử lý nhưng không làm dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân như dự án xây dựng nhà ở và văn phòng làm việc tại phường Yên Phụ (Tây Hồ) do Công ty TNHH IDC làm chủ đầu tư.... Có dự án chính quyền địa phương kiến nghị thu hồi nhiều lần, UBND Thành phố đã chỉ đạo thu hồi dự án, lập hồ sơ thu hồi đất trong năm 2014, song đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm như dự án xây dựng Bệnh viện Chữ thập đỏ tại quận Hoàng Mai của Bệnh viên đa khoa dân lập Chữ thập đỏ, dự án đầu tư xây dựng văn phòng tai phường Xuân Phương (Nam Từ Liêm) của Công ty Vạn Xuân.... Cùng với đó, không ít dự án được gia hạn nhiều lần thậm chí sử dụng sai mục đích vẫn được gia hạn như Dự án trường mầm non khu đô thị Đồng Tầu tại ô đất B8-NT, khu di dân Đồng Tầu (phường Thịnh Liệt) do Công ty TNHH Phát triển giáo dục Nam Hà Nội làm chủ đầu tư....

Đoàn giám sát cũng đánh giá, hiệu quả, hiệu lực thực hiện một số kết luận thanh tra, các văn bản gia hạn thời gian thực hiện dự án chưa cao như: Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Tứ Hiệp do Công ty CP Tứ Hiệp Hồng Hà dầu khí làm chủ đầu tư có kết luận thanh tra từ 25/11/2013 nhưng đến ngày 17/4/2015 Sở TN&MT kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra Công ty vẫn chưa thực hiện. Một số dự án vi phạm đã có quyết định thu hồi đất để giao cho tổ chức khác quản lý, sử dụng, nhưng cũng chưa được thực hiện dứt điểm. Có những dự án đến hết thời gian gia hạn, vẫn chưa triển khai, chưa khắc phục vi phạm như Công ty CP ĐTXD và TMDV Bắc Hà được gia hạn 6 tháng (đến hết năm 2014) để hoàn thiện tủ tục đầu tư xây dựng nhà để xét kết hợp dịch vụ tại khô đô thị mới Cầu Giấy nhưng đến nay vẫn quây tôn làm bãi trông xe....

Phải ý thức hơn về trách nhiệm kiểm tra

Ngoài nguyên nhân khách quan, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP đánh giá để xảy tình trạng có cả những nguyên nhân chủ quan của các cấp, các ngành. Trong đó có việc thẩm định năng lực nhà đầu tư để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất chưa chặt chẽ, dẫn đến có những nhà đầu tư như Công ty Tu tạo và phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư 3 dự án chậm triển khai, vi phạm tại cả quận Hai Bà Trưng và Nam Từ Liêm; Công ty CP Bắc Hà cũng có 2 dự án chậm triển khai tại quận Nam Từ Liêm... Chưa xây dựng cơ sở dữ liệu và cơ chế cung cấp thông tin hai chiều để thuận tiện trong quản lý và phát hiện vi phạm...

Qua thực tế giám sát, Ban kiến nghị TP cần công khai danh mục các dự án chậm triển khai, các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn… để người dân biết, giám sát, nhất là các trường hợp không thể liên hệ với chủ đầu tư, làm căn cứ để thu hồi đất theo quy định. Chỉ đạo rà soát, không giao đất cho các tổ chức đang có vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai. Đồng thời, có giải pháp đồng bộ trong xử lý, kiên quyết thu hồi đất những dự án chậm triển khai kéo dài, vi phạm pháp luật đất đai do nguyên nhân chủ quan, chủ đầu tư cố tình chây ỳ....

Lãnh đạo Ban Kinh tế Ngân sách cũng cho rằng, bản thân các quận, huyện, thị xã cũng cần nhận thức đầy đủ, đúng về trách nhiệm của mình trong kiểm tra, phối hợp và chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên (hàng năm). Từ đó, kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kịp thời đề xuất, kiến nghị rõ thái độ xử lý các vi phạm thuộc thẩm quyền cấp trên. Cùng với đó phải “hậu kiểm” các kết luận thanh tra, kiểm tra để xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng trên địa bàn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần