Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công khai, minh bạch để người dân hiểu đúng về doanh nghiệp Nhà nước

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 16/1, sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 4 Phó Thủ tướng cùng nhiều vị Bộ trưởng tại Hội nghị với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đóng góp tới 40% vào GDP và ngân sách.

Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nợ "khủng"

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, tình hình sản xuất kinh doanh của một số DNNN năm 2012 vẫn giảm sút. Cụ thể, tổng doanh thu đạt trên 1.621.000 tỷ đồng bằng 92% kế hoạch năm; Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 127.510 tỷ đồng giảm 5% so với thực hiện năm 2011. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân đạt 17,4%. Tổng nộp ngân sách tuy đạt 294.000 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch đề ra nhưng giảm 12% so với cùng kỳ, trong đó thu từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh nội địa chiếm 71%.

Cũng theo báo cáo này, tổng số lỗ phát sinh khoảng 2.253 tỷ đồng, trong đó, có một đơn vị năm 2011 đã lỗ, năm 2012 tiếp tục lỗ. Hiện có 10 tập đoàn, tổng công ty có lỗ lũy kễ 17.730 tỷ đồng; Tổng nợ phải trả là 1.334.903 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,82 lần (năm 2011 là 1,77 lần). Tổng tài sản/tổng nợ phải trả là 1,6 lần.

Công khai, minh bạch để người dân hiểu đúng về doanh nghiệp Nhà nước - Ảnh 1

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: TTXVN

Ông Phạm Viết Muôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN nhận xét: Hoạt động sản xuất kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty giảm sút so với năm 2011 và không hoàn thành kế hoạch đề ra. Ngoại trừ những đơn vị lỗ do chính sách giá và chênh lệch tỷ giá thì vẫn còn không ít DN sản xuất, kinh doanh thua lỗ. Mặc dù hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của các đơn vị vẫn nằm trong giới hạn cho phép, nhưng xét riêng rẽ thì tỷ lệ này tại không ít DN đã vượt giới hạn cho phép, cá biệt có đơn vị rất cao.

 Báo cáo này cũng cho thấy, tình hình tài chính của nhiều DNNN thiếu lành mạnh; Có đơn vị không bảo toàn được vốn chủ sở hữu hoặc tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng vốn rất thấp, hoạt động phụ thuộc nhiều vào nguồn vay làm cho chi phí tài chính lớn và khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp. Nợ khó đòi lên đến 5.280 tỷ đồng/326.556 tỷ đồng tổng nợ phải thu.

Những nguyên nhân dẫn tới các yếu kém trên được cho là do tình hình kinh tế trong và ngoài nước khó khăn. Một số đơn vị lại được giao nhiệm vụ bình ổn giá, thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát nên ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách. Tuy nhiên, những yếu kém này cũng bắt nguồn từ nội tại của không ít DNNN.

Thậm chí, một số đơn vị không chủ động tìm kiếm giải pháp vượt khó khăn mà có tâm lý trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước. Năng lực quản trị DN trong nhiều đơn vị còn hạn chế.

Vẫn là những đề xuất về chính sách

Năm 2013, nhiệm vụ đặt ra đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là vừa xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phù hợp và tổ chức thực hiện để tăng trưởng khoảng 10% vừa quyết liệt tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới các đơn vị theo đề án đã được phê duyệt. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, phần lớn các DNNN đề xuất Chính phủ nên đưa ra một số cơ chế hỗ trợ.

Ông Lê Minh Chuẩn, Tổng Giám đốc Vinacomin đề xuất thị trường than xuất khẩu giảm, giá bán than vào điện thấp hơn giá thành... vì vậy, Chính phủ cho phép giảm thuế xuẩt khẩu than mới giúp than đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ khó khăn bằng cách tái cấu trúc DN, xã hội hóa các dự án mỏ. Đại diện Tổng Công ty Lương thực miền Nam cho rằng, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam đang tăng cao, có loại gạo tăng giá trị tới 70%. Niên vụ 2012 - 2013 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, vì vậy, DN này đề nghị Chính phủ chỉ đạo tạm trữ lúa gạo sớm. Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Viettel cho biết, thành công lớn của tập đoàn này trong năm qua là việc đầu tư ra nước ngoài, tuy nhiên việc này đều là đầu tư gián tiếp. Bên cạnh đó, chính sách pháp luật của Việt Nam lại chưa hoàn thiện vì vậy rất khó khăn cho DN hoạt động...

Trong phát biểu kéo dài gần một giờ đồng hồ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành nhiều thời gian để ghi nhận những đóng góp của DNNN đối với nền kinh tế. Trên cơ sở đó, Thủ tướng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ chính của các tập đoàn, tổng công ty trong năm 2013 là quyết liệt thực hiện tái cơ cấu; Tập trung đẩy nhanh tiến độ và thực hiện giảm vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại các DN đã cổ phần hóa, chỉ tập trung vào lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính; Kiên quyết thoái vốn đã đầu tư ra ngoài ngành...

Với những đơn vị đang có khó khăn về tài chính, Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý có liên quan, đồng thời cơ cấu lại vốn, tài sản theo hướng đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu vốn để có cơ chế xử lý bổ sung vốn tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư có hiệu quả, hạn chế thất thoát vốn do kéo dài thời gian dự án và cơ cấu lại tài sản. Bên cạnh việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, kiện toàn tổ chức quản lý, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước với báo chí, dư luận để xã hội hiểu đúng về doanh nghiệp Nhà nước.

Lưu ý một lần nữa đến việc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải bám sát các mục tiêu về kinh tế, xã hội của Chính phủ để thực hiện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi các "quả đấm thép" của nền kinh tế phải "cùng nhau làm tốt, để xã hội thấy rõ hơn đóng góp của khu vực DNNN".