Tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 tại Hà Nội:

Công khai, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho học sinh

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/4, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức hội nghị hướng dẫn xét tốt nghiệp THCS năm học 2021-2022 và tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 năm học 2022-2023.

Ổn định phương thức tuyển sinh

Năm học 2022-2023, công tác tuyển sinh trẻ mầm non, lớp 1, lớp 6 của các trường thuộc Hà Nội giữ ổn định về phương thức như năm học 2021-2022. Cụ thể, các trường mầm non, tiểu học, THCS công lập tuyển sinh theo tuyến do UBND quận, huyện, thị xã quy định. Nhằm tạo thuận lợi cho gia đình học sinh, Hà Nội vẫn áp dụng song song hai hình thức tuyển sinh là trực tuyến và trực tiếp. Thời gian tuyển sinh trực tuyến từ ngày 1/7 đến hết ngày 3/7 (tuyển sinh lớp 1); từ ngày 4/7 đến hết ngày 6/7 (tuyển sinh trẻ mầm non 5 tuổi); từ ngày 7/7 đến hết ngày 9/7 (tuyển sinh lớp 6). Thời gian đăng ký tuyển sinh trực tiếp từ ngày 13/7 đến hết ngày 18/7.  

Đại diện Phòng GD&ĐT và các nhà trường dự hội nghị Hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội
Đại diện Phòng GD&ĐT và các nhà trường dự hội nghị hướng dẫn xét công nhận tốt nghiệp THCS và tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội

Đối với các trường THCS được TP công nhận là trường chất lượng cao tuyển sinh vào lớp 6 không theo tuyến và có số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu sẽ thực hiện tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiếm tra đánh giá năng lực. Các trường ngoài công lập tuyển sinh ngay sau khi kết thức năm học (từ 28/5-12/7); các trường thực hiện tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực lựa chọn thời gian kiểm tra, đánh giá năng lực phù hợp đảm bảo hoàn thành chậm nhất vào 30/6.

Còn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2022-2023 diễn ra trong hai ngày 18 và 19/6 với ba môn thi toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Học sinh dự thi vào các lớp chuyên tiếp tục làm bài thi từ chiều ngày 19/6 đến hết ngày 20/6. Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, mỗi học sinh được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng vào 3 trường THPT công lập và hạn cuối đăng ký dự thi vào ngày 13/5.

Để học sinh kịp hoàn thiện hồ sơ đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS (tạm thời) cho học sinh trước ngày 27/5. Năm nay, toàn TP có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm học 2020-2021.

Sở GD&ĐT cũng lưu ý các cơ sở giáo dục, Hội đồng tuyển sinh của các trường cần thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch Covid- 19 theo đúng chỉ đạo của TƯ và TP (chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, xây dựng các phương án cụ thể...), đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh

Thảo luận tại hội nghị, ý kiến của một số phòng giáo dục và đào tạo và nhà trường khẳng định sẽ thực hiện nghiêm túc kế hoạch tổ chức tuyển sinh theo quy định, đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan.

Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, thời điểm này, Phòng đã hoàn thành công tác điều tra số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh; xây dựng tuyến tuyển sinh cho các nhà trường bảo đảm đủ chỗ học, cố gắng giảm dần sĩ số học sinh/lớp; đồng thời có các biện pháp quyết liệt để hạn chế việc tuyển sinh trái tuyến.

Thí sinh dự thi lớp 10 năm học 2021- 2022
Thí sinh dự kỳ thi vào lớp 10 năm học 2021- 2022

Hiệu trưởng trường THPT Đoàn Thị Điểm (quận Bắc Từ Liêm) Vũ Thị Phương Anh chia sẻ, việc giữ ổn định phương thức tuyển sinh là hợp lý. So với trường THPT công lập, công tác tuyển sinh của các trường ngoài công lập có nhiều thuận lợi hơn do được chủ động lựa chọn phương án tuyển sinh. Theo đó, ngoài việc tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập để lấy điểm xét tuyển vào trường ngoài công lập, học sinh có thể đăng ký dự tuyển vào trường bằng kết quả học bạ cấp THCS. Ngoài ra, các em cũng không bắt buộc phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.

Nhấn mạnh công tác tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội cần tạo thuận lợi tối đa cho học sinh, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, nhà trường thông tin đầy đủ, chính xác, minh bạch các nội dung liên quan đến học sinh, phụ huynh học sinh; tổ chức phân tuyến tuyển sinh phù hợp, khoa học, bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh, hạn chế tuyển sinh trái tuyến và không để xảy ra hiện tượng quá tải ở trường học. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tích cực chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tuyển sinh vào các lớp đầu cấp an toàn, minh bạch, chất lượng; tích cực tham mưu UBND quận, huyện, thị xã tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên để nâng cao độ đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các nhà trường.

Được biết, năm học 2022-2023, Hà Nội bảo đảm 100% đã tốt nghiệp THCS có nguyện vọng tiếp tục đi học đều được tuyển vào các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể, khoảng 60% số học sinh tuyển vào trường THPT công lập, 21% số học sinh tuyển vào trường THPT ngoài công lập, 10% số học sinh tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên và khoảng 9% số học sinh tham gia học nghề.

 

"Mỗi cá nhân, mỗi cơ sở giáo dục tiếp tục nêu cao tinh thần tất cả vì học sinh, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh trong học tập và thi tuyển. Các nhà trường có trách nhiệm thông tin đầy đủ, chính xác và minh bạch tới tất cả học sinh, phụ huynh học sinh về các quy định liên quan đến công tác tuyển sinh lớp 10 và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS của TP Hà Nội để học sinh có lựa chọn phù hợp, tuyệt đối không ép buộc, vận động học sinh hoặc người nhà học sinh trong việc đăng ký dự tuyển vào lớp 10. Các đơn vị cần cố gắng hỗ trợ tối đa về mọi mặt, bảo đảm quyền lợi đăng ký dự thi của tất cả học sinh. Ngành Giáo dục Hà Nội không đưa vào tiêu chí thi đua đối với tập thể, cá nhân về kết quả học sinh dự thi vào lớp 10..."- Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương.