Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công nghệ nông nghiệp - ngành học mới thời 4.0

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao cho phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp của đất nước, mùa tuyển sinh 2019, trường Đại học (ĐH) Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội bắt đầu mở và đào tạo ngành Công nghệ nông nghiệp (CNNN).

 Ảnh minh họa
Theo thông tin từ GS.TS Lê Huy Hàm – Chủ nhiệm Khoa CNNN, nền nông nghiệp thông minh sẽ số hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh từ trang trại, vận chuyển, chế biến, marketing và tiêu dùng thông qua hệ thống IoT. Nền nông nghiệp 4.0 sử dụng kết hợp các công nghệ điều hành, điều khiển, công nghệ vạn vật và công nghệ sinh học trong tổ chức trang trại… Vì thế, ngành CNNN của trường ĐH Công nghệ sẽ đào tạo kỹ sư công nghệ có kiến thức liên ngành về công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, điều khiển tự động, công nghệ sinh học và công nghệ nano để ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp.

Trong thời gian học, sinh viên ngành CNNN sẽ được đào tạo theo nguyên tắc “học bằng làm”. Theo đó, sinh viên sẽ có kỹ năng nghiên cứu, phát triển ứng dụng các công nghệ tiên tiến không chỉ trong nông nghiệp mà tất cả các lĩnh vực kinh tế có liên quan khác.

Trong giai đoạn trước mắt, trường ĐH Công nghệ thực hiện đào tạo ngành CNNN trình độ ĐH theo hai hướng: Nông nghiệp kỹ thuật số và Công nghệ sinh học nông nghiệp. Với chuyên ngành kỹ sư công nghệ nông nghiệp kỹ thuật số, sinh viên tốt nghiệp hoàn toàn có thể làm việc tại các DN sản xuất, kinh doanh và sử dụng các thiết bị nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể là chuyên thiết kế, chế tạo, lập trình, lắp đặt, vận hành hệ thống và thiết bị nông nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng kỹ thuật điều khiển, công nghệ thông tin và truyền thông. Với chuyên ngành kỹ sư công nghệ sinh học nông nghiệp, sinh viên ra trường có năng lực sử dụng các công nghệ cao để nhân giống, trồng cây trong vườn ươm, chuyển giao công nghệ, tạo các chế phẩm sinh học nông nghiệp công nghệ mới, bảo quản chế biến nông sản, kiểm định chất lượng nông sản.

Người học ngành CNNN cũng có năng lực làm cán bộ quản lý dự án nông nghiệp công nghệ cao; cán bộ quản lý và tư vấn chính sách về nông nghiệp công nghệ cao ở các sở/Bộ KH&CN, sở/Bộ NN&PTNT; nghiên cứu viên và giảng viên trong lĩnh vực công nghệ và CNNN tại các trường ĐH… Sinh viên CNNN cũng có thể khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ và CNNN.

Theo Đề án tuyển sinh 2019 của trường ĐH Công nghệ, năm 2019 sẽ lấy 60 chỉ tiêu cho ngành CNNN (58 theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia và 2 theo phương thức khác) với 3 tổ hợp xét tuyển A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Anh, Lý) và B00 (Toán, Hóa, Sinh).