Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công nghiệp bán dẫn “đốt đuốc” tìm nhân lực

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dù được xem là ngành công nghiệp tỷ USD, nhưng ngành công nghiệp bán dẫn đang đối mặt với thách thức lớn về nguồn nhân lực. Do đó, cần có chính sách đột phá phát triển nhân lực ngành bán dẫn.

Doanh nghiệp chật vật tìm kiếm nhân lực

Thị trường chip bán dẫn thế giới dự kiến đạt doanh thu 1.000 tỉ USD vào năm 2030. Vì vậy, đến năm 2030 cần khoảng 1 triệu lao động cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, có trình độ tại các nước châu Á trong đó có Việt Nam.

Ước tính đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn.
Ước tính đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn.

Ước tính đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn; đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỉ đồng vào GDP.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, Việt Nam mới có khoảng 50 doanh nghiệp làm về dịch vụ thiết kế vi mạch, trong đó phần lớn là doanh nghiệp FDI với lực lượng lao động ước gần 5.000 kỹ sư. Như vậy, so với nhu cầu thực tế, Việt Nam cần gấp 10 lần con số kỹ sư hiện nay, để có chỗ đứng trên bản đồ bán dẫn thế giới.

PGS.TS Phạm Trần Vũ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nêu thực tế, hầu hết công ty làm về kiểm tra và thiết kế vật lý vi mạch đang cần tuyển nhiều kỹ sư thiết kế vi mạch cho phần frontend và backend. Song thực tế các kỹ sư Việt Nam chỉ giỏi trong một công đoạn thiết kế, thiếu những kỹ sư trưởng có khả năng làm chủ được quy trình hoàn chỉnh một con chip. Do đó mục tiêu đào tạo hướng tới kỹ sư Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, đồng thời làm chủ được quy trình thiết kế các vi mạch phức tạp, thiết kế thành công các vi mạch.

Chia sẻ thực tế từ doanh nghiệp, Trưởng ban công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel Nguyễn Cương Hoàng cho biết, hiện nay đơn vị đang rất “khát” nhân lực ngành công nghệ bán dẫn, việc tuyển chọn, đào tạo rất vất vả. Chỉ tính riêng lĩnh vực thiết kế chip, để đáp ứng mục tiêu phát triển, Viettel có nhu cầu nguồn nhân lực đến năm 2030 là hơn 500 kỹ sư và năm 2035 là hơn 1.000 kỹ sư. Trong đó có hơn 20% nhân sự có trình độ từ Thạc sĩ trở lên. “Để có con số hiện tại là 50 kỹ sư, chúng tôi trải qua nhiều năm tuyển dụng. Người vào nhiều, người ra nhiều, nhưng nhìn chung việc tuyển dụng tương đối khó, bởi nhân lực hạn chế” – ông Nguyễn Cương Hoàng cho hay.

Tăng cường đào tạo, hợp tác 3 bên

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới, lọt Top 5 thế giới vào năm 2030. PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh nhận định, mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn là khả thi và Việt Nam có tiềm năng để khỏa lấp cho nguồn nhân lực ngành bán dẫn toàn cầu.

Bộ GD&ĐT đang xây dựng kế hoạch thúc đẩy đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
Bộ GD&ĐT đang xây dựng kế hoạch thúc đẩy đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Việt Nam có thể mở mới, mở rộng quy mô đào tạo chuyên ngành đã có lên bậc tiến sĩ, thạc sĩ, đồng thời đào tạo nâng cao đối với nhân lực từ các ngành phù hợp, ngành gần. “Chúng ta có thể thu hút nhân lực người Việt đang làm việc, thiết kế vi mạch ở nước ngoài quay trở về bằng chính sách thuế và các chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài mà Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí cho phép. Thậm chí nếu muốn tăng tốc thì chúng ta tuyển trong vòng 5 năm để hút lực lượng đó về thật nhanh, để phát triển ngành này, để đạt được mục tiêu của mình” - PGS.TS Nguyễn Anh Thi góp ý.

 

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực, năm 2023, Viettel đã xây dựng chương trình học bổng cho nhân sự thuộc Tập đoàn và học bổng Thạc sĩ các ngành công nghệ, kỹ thuật cho một số trường hướng tới các ngành công nghiệp chủ đạo trong đó có công nghệ bán dẫn. Từ năm 2024, ngành công nghệ bán dẫn là 1 trong 9 lĩnh vực Viettel tuyển chọn nhân sự tham gia chương trình thực tập sinh tài năng để làm nguồn nhân sự cho Tập đoàn - Trưởng ban công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel Nguyễn Cương Hoàng cho hay.

Góp ý về định hướng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực công nghệ bán dẫn, Trưởng ban công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel Nguyễn Cương Hoàng cho rằng, đầu tiên về các cơ chế, chính sách cho việc hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà trường trong hoạt động đào tạo cần có tính đột phá hơn. Xem xét bổ sung các chính sách về việc cho phép doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo, tạo nguồn, công nhận các chứng chỉ nghề do doanh nghiệp cung cấp, học kỳ trong doanh nghiệp… Ngoài ra cần sớm hoàn thiện cơ chế hợp tác một cách thực chất giữa doanh nghiệp – viện nghiên cứu – trường Đại học để triển khai nhanh việc hợp tác giữa doanh nghiệp – viện nghiên cứu – trường đại học từ năm 2025.

Song song, cần có cơ chế chính sách đột phá như chính sách ưu đãi về thuế, các cơ chế về hỗ trợ học phí, các ưu đãi về đất đai để xây dựng các cơ sở nghiên cứu, sản xuất và đào tạo… Đặc biệt là chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân sẽ tạo ra đột phá để thu hút nhân tài và các chuyên gia nước ngoài về làm việc.

Về phía các Trường đại học cần đẩy mạnh xây dựng mạng lưới liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và giáo dục, cũng như các cơ quan chính phủ để tạo ra một môi trường hợp tác phát triển bền vững trong ngành công nghệ bán dẫn.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội và các yếu tố cần thiết phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam đã thu hút nhiều tập đoàn lớn ngành vi mạch bán dẫn như Mỹ, Hàn Quốc... Theo đó có tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng cần các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn. Trong đó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, kết nối hình thành hệ sinh thái trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.