Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công nghiệp hỗ trợ hấp dẫn doanh nghiệp Nhật

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin được các nhà quản lý, diễn giả, DN chia sẻ tại Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2017 do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức chiều 15/6.

Công nghiệp hỗ trợ hấp dẫn doanh nghiệp Nhật - Ảnh 1
Toàn cảnh diễn đàn.

Theo số liệu của Jetro tại Hà Nội, tính đến tháng 12/2016, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam hiện đứng ở vị trí thứ 2 trong số các quốc gia khu vực ASEAN. Trong đó, nhiều ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng, nổi bật nhất là ngành điện tử. Các thương hiệu điện tử lớn như Intel, Panasonic và Microsoft đã được dịch chuyển sang Việt Nam trong khi các DN nội địa tiếp tục dành được các đơn hàng mới. Nhập khẩu tăng gần gấp 3 lần từ năm 2011 đến năm 2016 và xuất khẩu tăng gần 5 lần, từ 12,8 tỷ USD lên 65,8 tỷ USD vào năm 2015. Trong năm vừa qua, sản lượng xuất khẩu các linh kiện điện thoại di động và điện thoại luôn giữ tỷ trọng cao nhất, góp phần lớn vào cân bằng thương mại của Việt Nam và giảm nhập siêu. Trong năm nay, Việt Nam dự kiến sẽ vượt mục tiêu 40 tỷ USD xuất khẩu điện tử.

Tại Diễn đàn, ông Kitagawa - Trưởng đại diện Jetro tại Hà Nội cho biết, Việt Nam đang nhận được sự quan tâm từ DN Nhật Bản với hơn 570 dự án đầu tư vào Việt Nam trong năm 2016. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện còn thấp, chỉ đạt 34%. Nguyên nhân do phải nhập khẩu từ các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc... dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn cho DN Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam.

Chính vì thế, ông Kitagawa Kitagawa cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có tiềm năng rất lớn, nhưng các DN Việt Nam cần phải hiểu rõ hơn quan niệm sản xuất của các DN Nhật Bản, khi sản xuất ra các linh kiện phụ tùng thì không chỉ đơn thuần sản xuất ra các đồ vật mà Việt Nam cần phải cân nhắc làm sao để nâng cao hơn giá trị gia tăng, gắn liền với các sản phẩm đó. Như vậy, các DN Việt Nam sẽ có thể sánh vai cùng với các DN Nhật Bản trong chuỗi công nghiệp phụ trợ toàn cầu.

Còn TS Trương Thị Chí Bình - Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hướng tới khách hàng Nhật Bản là điều đương nhiên vì chúng ta đang có nhiều DN Nhật Bản hợp tác. Thời gian tới sẽ có nhiều thách thức nên nếu chúng ta muốn tiếp tục làm việc với Nhật Bản, chúng ta cần tiếp tục thay đổi. "Cách đây một năm, doanh nghiệp tự làm, tự chiến đấu nhưng hiện các doanh nghiệp có thể tin tưởng vào những chính sách, chương trình riêng và nguồn ngân sách dành cho hoạt động phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực" - vị này nói.

Trong khi đó, ông Lưu Hoàng Long - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) cũng cho hay, Việt Nam đang dần trở thành trung tâm sản xuất mới vô cùng hấp dẫn với nguồn lao động có trình độ và chi phí thấp hơn Indonesia và chỉ bằng một nửa của Thái Lan. Tuy nhiên, thách thức không nhỏ đối với công nghiệp điện tử Việt Nam khi Ấn Độ với chính sách áp dụng mức ưu đãi cấp 2 độ của cả Chính phủ lẫn các tiểu bang, cùng với mức lương thấp và nền công nghiệp công nghệ cao, cũng như vẫn giữ vị trí là "thung lũng Silicon" của châu Á.

Vời những thời cơ và thách thức, ông Kitagawa cho rằng, để nâng cao khả năng cạnh tranh về chi phí và đảm bảo sự cung cấp ổn định của các nhà cung cấp linh kiện, việc tìm kiếm đối tác địa phương vẫn là vấn đề quan trọng nhất. Đồng thời tin tưởng rằng các DN Nhật Bản có thể thiết lập mối quan hệ lâu dài với các doanh nghiệp địa phương để giảm chi phí và tiết kiệm thời gian.