Công nghiệp hỗ trợ Việt: Vẫn loay hoay với bài toán ... ốc vít

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng cho Samsung vẫn chỉ dừng lại ở các mặt hàng có hàm lượng công nghệ thấp như túi bóng, vỏ bao bì, khuôn mẫu ....

Theo thông tin Samsung đưa ra trong cuộc hội thảo về công nghiệp hỗ trợ diễn ra vừa qua, hiện tham gia chuỗi cung ứng cho các nhà máy của hãng tại Việt Nam có 80 doanh nghiệp đến từ 9 quốc gia. Trong số này có 32 doanh nghiệp đến từ Việt Nam nhưng chỉ có 4 nhà cung cấp trực tiếp còn lại là đều thông qua doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài.

Tuy nhiên cả 4 doanh nghiệp Việt cung cấp trực tiếp này đều chỉ đưa tới cho Samsung những sản phẩm có hàm lượng công nghệ thấp, đi kèm với đó là giá trị gia tăng thấp như túi bóng, vỏ bao bì, khuôn mẫu .... Trong khi đó các sản phẩm cấp cao, có giá trị gia tăng lớn hơn như ốc vít, dây sạc ... đều thuộc về những doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

 
Doanh nghiệp Việt vẫn chưa thể sản xuất được các sản phẩm phụ trợ có giá trị gia tăng cao
Doanh nghiệp Việt vẫn chưa thể sản xuất được các sản phẩm phụ trợ có giá trị gia tăng cao
Mặc dù chỉ cung cấp những mặt hàng không đòi hỏi công nghệ cao nhưng phía doanh nghiệp trong nước vẫn không thể tự cung ứng đủ theo yêu cầu từ phía Samsung. Một doanh nghiệp chuyên cung cấp mặt hàng túi bóng đã thừa nhận, để giao hàng đúng hẹn với số lượng lên tới hàng triệu sản phẩm mỗi tháng cho Samsung, họ đã phải nhập khẩu thêm cả từ các doanh nghiệp Trung Quốc mới có thể hoàn thành.

Ngay cả Thứ trưởng Bộ Công thương, Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, doanh nghiệp Việt Nam do có năng lực sản xuất hạn chế nên mới chỉ tham gia được vào các công đoạn có giá trị gia tăng thấp. Đây là điều rất đáng tiếc nếu biết trong năm 2014, Samsung Việt Nam đã chi ra tới 35 triệu USD cho chuỗi cung ứng tại Việt Nam và dự kiến trong năm nay sẽ tăng lên 45 triệu USD.

Quay trở lại thời điểm cách đây gần 1 năm, Samsung cũng từng tổ chức một cuộc hội thảo với nội dung tương tự khi nói về các hạn chế từ phía doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng cho hãng. Tại đó, Samsung cho biết, với 170 loại linh kiện đơn giản như ốc vít, sạc pin, tai nghe... nhưng hãng không tìm nổi nhà cung cấp tại Việt Nam.

Tuy nhiên tuyên bố trên không phải nói rằng doanh nghiệp Việt không thể tự sản xuất nổi một con ốc vít mà là sản xuất ra với giá thành, số lượng cũng như chất lượng vẫn chưa đủ đáp ứng với yêu cầu từ phía Samsung cũng như không thể cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp quốc tế đang hoạt động trong cùng lĩnh vực.

Cũng sau tuyên bố này, hàng loạt các cuộc hội thảo đã được tổ chức với sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp ... nhằm tìm cách tháo gỡ tình trạng trên. Thậm chí, điều này còn lan sang cả kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra khi chính Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã thừa nhận trong phiên chất vấn của mình rằng công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn rất yếu kém.

Mặc dù vậy, cho đến nay mọi thứ dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Phía Samsung vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của mình đối với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn nhưng ngay tới mặt hàng như ốc vít vẫn chưa có đơn vị nào đủ điều kiện cung cấp.

Về phía doanh nghiệp hỗ trợ trong nước, khó khăn lớn nhất của họ đang nằm tại yêu cầu chất lượng quá cao từ phía Samsung. Với chỉ riêng một linh kiện cấp 2 là khuôn mẫu, hãng này cũng yêu cầu độ chính xác tới phần nghìn, trong khi đó doanh nghiệp chỉ có thể đáp ứng đến phần trăm. Nếu muốn đáp ứng thì buộc doanh nghiệp phải đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại nhưng đến đây lại nảy sinh ra vấn đề không có vốn.

Ngoài ra, Samsung cũng yêu cầu số lượng đơn hàng lớn với thời gian giao hàng nhanh, điều này khiến doanh nghiệp trong nước do hạn chế về quy mô nên dù căng mình hết sức cũng không thể đáp ứng nổi và thường chi phí cũng cao hơn hẳn so với các sản phẩm tương tự được phía doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất.

Nói về điều này, ông Han Myoungsup, Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Complex cho biết, các sản phẩm của Samsung mặc dù được sản xuất tại Việt Nam nhưng lại được tiêu thụ trên toàn thế giới, vì vậy yếu tố chất lượng phải được đặt lên hàng đầu, ngay cả từ những linh kiện đơn giản như ốc vít.

Mặc dù việc tham gia được vào chuỗi sản xuất của Samsung với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao là điều tương đối khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên nếu phía doanh nghiệp có thể đưa ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá thành rẻ hơn, đủ số lượng theo yêu cầu thì chắc chắn Samsung sẽ lựa chọn làm đối tác, ông Han Myoungsup đưa ra cam kết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần