Công nghiệp sụt giảm, nông nghiệp tăng trưởng thấp kéo chậm tăng trưởng kinh tế

Bá Tú
Chia sẻ Zalo

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III năm nay tăng 6,40%, và tính chung tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm là 5,93%.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2016 (ngày 29/9), mức tăng này cho thấy xu hướng tăng trưởng quý sau vẫn tiếp tục cao hơn quý trước, nhưng thấp hơn mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2015.
 Ảnh minh họa
Nguyên nhân chủ yếu khiến tăng trưởng kinh tế thấp hơn năm ngoái được Tổng cục Thống kê nhận định là do ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sút và nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước. Cụ thể, mức tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 0,65%, đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây, và chỉ đóng góp 0,11 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục gặp khó khăn do hạn, mặn, bão và được dự báo năm nay sẽ là năm tăng thấp nhất tính từ năm 1989.
Trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,50% và khu vực dịch vụ tăng 6,66%. Theo kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III cho thấy, có 80,3% số DN đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh quý III khá ổn định và tốt hơn quý trước. Có 19,7% DN đánh giá vẫn còn gặp khó khăn. Dự báo trong quý IV, tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN có khả quan hơn quý III, nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN Nhà nước.
Tại buổi họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định kinh tế trong nước vẫn chưa có sự bứt phá, nhưng giữ được sự ổn định và đà tăng trưởng chậm.
Sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế ảnh hưởng như thế nào đến lao động, việc làm là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Về vấn đề này bà Nguyễn Thị Xuân Mai – Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết, số người thất nghiệp trong quý III năm nay là 1,16 triệu người, tăng 38.000 người so với quý trước và 8.800 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,13%. Nếu so với cùng kỳ năm 2015 thì tỷ lệ này đã gia tăng đáng kể (9 tháng năm ngoái lượng người thất nghiệp chỉ là 25.000 người). “Sự cố môi trường Formosa cũng đã tác động không nhỏ đến tình trạng này khi làm ảnh hưởng đến 22.780 hộ gia đình trên địa bàn 65 xã khiến cho gần 25.000 người sẽ mất việc hoặc không có việc làm ổn định” - bà Mai nhận định. Cụ thể hơn, lĩnh vực đánh bắt thủy hải sản giảm 14.770 người; Kinh doanh thủy sản giảm 5.736 người; Dịch vụ hậu cần cho ngành thủy sản giảm 1.015 người; Nuôi trồng thủy sản giảm 823 người; Khách sạn nhà hàng giảm 692 người và sản xuất muối giảm 428 người. Bên cạnh đó, phải kể đến quý III là thời điểm một lượng lớn sinh viên ra trường, đang tìm kiếm việc làm, đây cũng là một nhân tố khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng ở thời điểm này.