Tỷ trọng công nghiệp, thương mại tăng nhanh
Huyện Phúc Thọ thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) trở thành một phần của Thủ đô kể từ ngày 1/8/2008. Trong suốt 15 năm qua, huyện nhận được sự quan tâm, đầu tư rất lớn của TP Hà Nội. Nhờ đó trong giai đoạn 2010 - 2022, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 9%/năm.
Cơ cấu kinh tế của huyện Phúc Thọ chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong đó, tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và làng nghề có nhiều khởi sắc, dần trở thành nhóm ngành mang lại giá trị kính tế chủ yếu của huyện.
Giai đoạn 2023 - 2025, huyện Phúc Thọ dự kiến huy động khoảng 2.323,5 tỷ đồng để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và làng nghề; trong đó, có 286,8 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, còn lại là vốn xã hội hóa (2.054,9 tỷ đồng).
Nếu như năm 2011, giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của huyện mới đạt 1.131 tỷ đồng thì đến năm 2022 đã đạt 7.230 tỷ đồng. Đối với thương mại - dịch vụ, năm 2008, tổng giá trị kinh tế của huyện đạt 550 tỷ đồng thì đến năm 2022 đã đạt hơn 5.460 tỷ đồng (theo giá thực tế).
Tính chung giai đoạn 2010 - 2022, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm của nhóm lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và làng nghề đạt trên 10%/năm.
Sự phát triển của ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và làng nghề đã góp phần hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển của ngành nông nghiệp; tạo ra nguồn thu ngân sách đáng kể cho huyện Phúc Thọ; tạo thêm việc làm cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Hướng đến vùng kinh tế trọng điểm
15 năm kể từ ngày về với Thủ đô, huyện Phúc Thọ được hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và làng nghề của Hà Nội.
Cụ thể với huyện Phúc Thọ, TP đã phê duyệt quy hoạch 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 251ha. Vừa qua, đã phê duyệt quyết định thành lập thêm 6 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 95ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.995 tỷ đồng.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương, toàn huyện hiện có 7 làng nghề được UBND TP Hà Nội công nhận. Ngoài ra, những năm gần đây, huyện còn phát triển thêm một số làng nghề mới như: Nghề mộc ở xã Long Xuyên, nghề sản xuất con giống bằng thạch cao ở xã Thanh Đa, nghề sản xuất tương ở xã Thượng Cốc, nghề may mặc ở xã Tam Thuấn…
“Các làng nghề, làng có nghề với 1.733 cơ sở sản xuất - kinh doanh đã và đang giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân các xã, thị trấn…” - bà Lê Thị Kim Phương nói thêm.
Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trong giai đoạn tới, UBND huyện đã xây dựng và ban hành Đề án “Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và làng nghề trên địa bàn huyện Phúc Thọ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Mục tiêu của đề án trên là tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư để phát triển nhanh các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề có lợi thế cạnh tranh; hỗ trợ tích cực cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn, làm cơ sở, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu, nâng cao hiệu quả kinh tế của huyện.
Cũng theo đại diện UBND huyện Phúc Thọ, sau 15 năm hợp nhất với Thủ đô, điều kiện kinh tế của Phúc Thọ đã có nhiều khởi sắc. Dù vậy, so với nhiều quận, huyện khác trên địa bàn Hà Nội, địa phương có xuất phát điểm thấp và kinh tế - xã hội đến nay nhìn chung còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Phúc Thọ mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ ngân sách thực hiện các dự án thành phần từ UBND TP Hà Nội.
Huyện Phúc Thọ phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt trên 12.000 tỷ đồng; hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động ổn định 6 cụm công nghiệp; có thêm từ 3 - 5 làng nghề mới được UBND TP Hà Nội công nhận. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn huyện đến năm 2025 đạt trên 9.000 tỷ đồng. Phấn đấu xây dựng mới 7 chợ trung tâm xã, 6 siêu thị, 1 trung tâm thương mại mua sắm cấp vùng và 1 trung tâm logistic.