Công nghiệp văn hóa gắn với thành phố sáng tạo: động lực phát triển cho Thủ đô
Kinhtedothi - Hà Nội là địa phương đầu tiên có Nghị quyết chuyên đề về Công nghiệp văn hóa (CNVH) thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô. Và khi CNVH gắn với thực hiện TP sáng tạo chắc chắn sẽ là động lực phát triển cho Thủ đô.

Nguồn lực cộng đồng đóng vai trò lớn trong phát triển CNVH
Sau 3 năm ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2023 về "Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Hà Nội hiện nay đang hình thành, phát triển sự đa dạng của các sản phẩm thủ công và những sản phẩm sáng tạo. Những sản phẩm này có mặt ở khắp nơi trong TP cùng với việc kết nối với mạng lưới hơn 100 không gian sáng tạo trên địa bàn Thủ đô đã tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội.
Nhiều di sản văn hóa, thiết chế văn hóa với các hoạt động sáng tạo độc đáo đã trở thành thương hiệu, điểm nhấn của Hà Nội như: Chương trình trải nghiệm "Ngọc Sơn - đêm huyền bí"; chương trình tham quan trải nghiệm "Đêm thiêng liêng 2" và "Đêm thiêng liêng 3" vào buổi tối thứ 6 và thứ 7 hàng tuần tại di tích Nhà tù Hỏa Lò và chuỗi các hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật, giáo dục sáng tạo tại không gian di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội tại Bảo tàng Hà Nội.
Nguồn lực từ cộng đồng đóng vai trò rất lớn trong phát triển CNVH và đó là lý do Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Hà Nội đã ký kết chương trình hợp tác với các Trường Đại học, Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Văn phòng UNESCO Việt Nam tại Hà Nội, Hội đồng Anh, Viện Pháp tại Hà Nội (L'Espace) và nhiều doanh nghiệp, tổ chức văn hóa khác để thúc đẩy các dự án sáng tạo và trao đổi nghệ thuật.
"Thế mạnh của Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là "vốn" di sản văn hóa giàu có với 6.489 di tích lịch sử văn hóa , 1.793 di sản văn hóa phi vật thể , 1.350 làng nghề và làng có nghề thủ công, mà còn có nguồn lực con người to lớn với cơ cấu dân số vàng , nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước. Đây là những tiềm năng lớn, tiền đề quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Nội phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô", là những thông tin Sở VH&TT đưa ra trong tham luận của Hội nghị tổng kết Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.
Mỗi địa phương trên địa bàn TP Hà Nội sẽ có cách tiếp cận riêng, tạo ra những đặc trưng riêng để phát triển CNVH, trong đó, quận Hoàn Kiếm hiện nay với nhiều công trình, không gian văn hóa sáng tạo nổi bật đã được hình thành trên cơ sở tái thiết các không gian cũ hiện có để triển khai ý tưởng, dự án nghệ thuật phục vụ cho cộng đồng như: Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Ngôi nhà di sản (87 phố Mã Mây), Không gian văn hóa lịch sử Hội truyền bá chữ quốc ngữ và danh nhân Nguyễn Văn Tố (47 Hàng Quạt), cầu vượt đường bộ phố Trần Khánh Dư, Con đường nghệ thuật Phúc Tân. Quận Tây hồ với phố đi bộ Trịnh Công Sơn và không gian văn hóa Hồ Tây. Quận Ba Đình với công trình "Bến hoa Phúc Xá - Ba Đình" ở bãi bồi sông Hồng...
Từ năm 2021 đến nay, Sở VH&TT đã tham mưu tổ chức trên 50 sự kiện văn hóa lớn, trong đó có Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF), Lễ hội Văn hóa Ẩm thực, Chương trình nghệ thuật "Xuân Quê hương", "Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024"; chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô với điểm nhấn là "Lễ hội văn hóa hòa bình" thu hút hàng triệu lượt khách tham dự, góp phần gia tăng doanh thu du lịch văn hóa.
Tôn vinh giá trị văn hóa Thủ đô qua các Lễ hội sáng tạo

Năm 2019, Hà Nội là TP đầu tiên của Việt Nam chính thức là thành viên của Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Điều này cho thấy một Hà Nội với diện mạo trẻ trung, hiện đại và sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, trở thành một TP năng động nhất trên thế giới.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của Hà Nội khi thực hiện các sáng kiến cam kết với UNESCO đó là Sở VH&TT đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân, DN và các cơ quan trong nước, quốc tế tham mưu TP tổ chức thành công Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội thường niên với 3 trụ cột chính hướng tới các không gian và chủ đề nhằm tôn vinh giá trị văn hóa Thủ đô là Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo.
Theo đó, năm 2021 Sở VH&TT phối hợp với Tạp chí Kiến trúc, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Tuần lễ "Khơi nguồn Sáng tạo" tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm trong 7 ngày với 23 sự kiện.
Vào năm 2022 Sở đã tham mưu cho UBND TP tổ chức Lễ hội trong 7 ngày với chủ đề "Sáng tạo và Công nghệ" bao gồm chuỗi 61 hoạt động tại 50 không gian sáng tạo với hơn 150 nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ, diễn giả, nghệ nhân, nhà sáng tạo tham gia trực tiếp và đón tiếp hơn 30.000 lượt khách tham quan và trải nghiệm tại không gian chính của Lễ hội.
Bên cạnh đó, các không gian hưởng ứng Lễ hội tại Khu đô thị Bắc An Khánh (huyện Hoài Đức), Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, Phố đi bộ Trần Nhân Tông và Công viên Thống Nhất, Phố đi bộ Trịnh Công Sơn cũng thu hút hàng vạn lượt khác tham gia trải nghiệm.
Năm 2023 Lễ hội với chủ đề "Dòng chảy" đã được tổ chức tại các không gian di sản công nghiệp gắn bó với Hà Nội trong thời gian qua như: Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên, Ga Gia Lâm… với hơn 60 hoạt động nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, hội thảo, tọa đàm, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo… thu hút, 230.000 khách tham quan, 4 triệu tương tác trên mạng xã hội.
Đặc biệt, năm 2024 Lễ hội được tổ chức trong một năm đặc biệt, tròn 5 năm kể từ khi Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố sáng tạo UNESCO, chủ đề là "Giao lộ sáng tạo". Lễ hội được mở rộng với hơn 110 hoạt động thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hoá. Lần đầu tiên, Cung Thiếu nhi Hà Nội, Bắc Bộ Phủ, Nhà Hát lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tổng hợp (cũ) thí điểm mở cửa đón khách tham quan như một di sản kiến trúc bên cạnh công năng vốn có.
Lễ hội được có sự tham gia, tính cộng hưởng từ cộng đồng rõ nét. Minh chứng là sự góp mặt của hơn 500 đơn vị, hơn 1.000 nhà sáng tạo, trong đó có nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng đã thành danh cả trong và ngoài nước. Cộng đồng người khuyết tật và các nhóm yếu thế trong xã hội cũng đã tích cực đóng góp với vai trò là những nhà sáng tạo chuyên nghiệp.
Sau 9 ngày tổ chức, Lễ hội đã đạt được thành công ngoài mong đợi càng thể hiện Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 không chỉ là một sự kiện văn hóa, mà còn là động lực thúc đẩy hợp tác phát triển CNVH của Hà Nội với các tỉnh, TP bạn, các thủ đô, TP lớn của các quốc gia trên thế giới.
Thông qua các Lễ hội sáng tạo, chắc chắn Hà Nội sẽ tiếp tục được bạn bè trong nước và quốc tế biết đến. Đồng thời, khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, thân thiện, có năng lực tổ chức sự kiện quy mô lớn, chất lượng, sản phẩm văn hóa đặc sắc, làm nên thương hiệu của Thủ đô.
[Ảnh] Ấn tượng Lễ khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024
Kinhtedothi - Tối 9/11, tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra Lễ khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 với những hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 thu hút 30 vạn du khách
Kinhtedothi - Tối 17/11, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 đã chính thức khép lại sau 9 ngày diễn ra, đón tiếp gần 30 vạn Nhân dân và du khách.

Bước tiến mới cho ngành công nghiệp văn hóa
Kinhtedothi - Trong những năm gần đây, việc kết hợp sự kiện âm nhạc với các yếu tố văn hóa truyền thống ngày càng trở thành một xu hướng nổi bật, góp phần lan tỏa giá trị dân tộc và tạo sự kết nối cộng đồng.