Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư: Nên giao lại cho trường đại học

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Rà soát tiêu chuẩn, quy trình công nhận giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) đang là vấn đề rất nóng khi có tới 94 GS, PGS trên tổng số 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn phải xem xét lại. Nhiều người cho rằng, để công khai, minh bạch và tự chủ, việc công nhận GS, PGS nên được giao lại cho các trường.

Bất cập từ tiêu chí hiện hành
Hiện nay, số lượng GS của Việt Nam so với đội ngũ giảng viên chỉ chiếm 3% và PGS là 12%. Con số này so với các nước là khiêm tốn. Với tỷ lệ GS, PGS này, nhiều chuyên gia cho rằng đang có những vấn đề liên quan, đồng thời phản ánh trình độ khoa học của một nước so với tương quan chung của thế giới.
 Trao Giấy chứng nhận danh hiệu giáo sư, phó giáo sư năm 2016.
“So sánh với thế giới thì thành tựu giáo dục ĐH, hoạt động khoa học của chúng ta còn thấp, nhưng số lượng GS, PGS lại nhiều là không bình thường. Chúng ta muốn làm cho bình thường thì phải thay đổi thế chế và điều chỉnh các tiêu chí công nhận đạt GS, PGS” – TS Lê Viết Khuyến - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT bày tỏ.

Chính vì thế nhiều chuyên gia nhận định, việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS ở Hội đồng chức danh GS đang có vấn đề. GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Vì quy định cách tính điểm bài báo, công trình nghiên cứu khoa học của ứng viên cho phép dao động trong một khoảng, nên người ta đã “vận dụng” cho nhau dẫn đến chấm sai. Chẳng hạn, cùng một hội đồng, có người chấm cho ứng viên này 60 điểm, nhưng tôi chỉ chấm 21 điểm”.
Không chỉ vậy, chức danh GS, PGS là do Nhà nước phong coi trọng trình độ khoa học, thế nhưng cách làm của hội đồng nặng về tôn vinh. Quy định bỏ phiếu kín về tín nhiệm đối với ứng viên GS, PGS, nhưng không ghi rõ họ tên dẫn đến không đảm bảo tính khách quan, công bằng và cảm tính.

Một quy định hết sức ngược đời vẫn đang tồn tại từ nhiều năm nay, là ở hội đồng chức danh GS liên ngành có cả thành viên PGS lại được xem xét, thẩm định ứng viên GS. Điều khiến người ta lo lắng hơn cả chính là sự thẩm định, đánh giá không chuẩn xác cho các ứng viên. Đơn cử, khi xem xét ứng viên GS ngành Xã hội học thì thành viên hội đồng GS liên ngành có người chuyên môn về Kinh tế, Tâm lý học, như vậy khó đưa ra ý kiến chuẩn xác về lĩnh vực của ứng viên.

Nhà trường sẽ phong hàm GS, PGS

Trước thực tế nhiều người sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS, nhưng lại làm quản lý hoặc không còn nghiên cứu, nhiều chuyên gia đề nghị GS, PGS phải gắn liền với hoạt động đào tạo ở trường ĐH và có nghiên cứu khoa học, giảng dạy. Hiện nay, tùy vào mục tiêu phát triển, mỗi quốc gia lại đưa ra những tiêu chuẩn, tiêu chí khác nhau để xét công nhận GS, PGS. Nhưng theo nhiều chuyên gia, quan trọng nhất vẫn là tiêu chí về ngoại ngữ và công trình nghiên cứu khoa học, bài báo được công bố trên các tạp chí uy tín thế giới.
GS Phạm Tất Dong còn cho rằng, việc xét công nhận GS nên quay về truyền thống ngày xưa. GS được vinh danh có học vấn cao, đạt bao nhiêu công trình vẫn chưa đủ mà phải có đạo đức, nhân phẩm. Trong khi đó, PGS.TS Trần Quốc Toản – Hội đồng lý luận T.Ư cho biết, việc quy định số công trình được đăng trên tạp chí quốc tế mới chỉ là một phương diện, mà nó phải phục vụ đất nước là điều quan trọng nhất.

Để việc công nhận học hàm GS, PGS diễn ra công khai, minh bạch, hội nhập, Nhà nước nên giao lại nhiệm vụ này cho các trường ĐH. Đây là đề xuất của nhiều chuyên gia trong tình hình hiện nay, nhất là khi các cơ sở giáo dục ĐH đang được trao quyền tự chủ. Tất nhiên, không phải trường nào cũng được giao thực hiện trọng trách này, mà chỉ áp dụng đối với những đơn vị “bề thế”. Hội đồng chức danh GS Nhà nước sẽ đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn làm mặt bằng chung, để các trường tùy theo tình hình, đặc thù của mình xây dựng quy chuẩn riêng. Đương nhiên, người được nhà trường phong chức danh GS, PGS chỉ có giá trị ở nơi họ công tác.
Để việc phong chức danh GS, PGS không lộn xộn, các trường phải có văn bản giải trình lên Chính phủ, nói rõ đang thiếu mấy GS, PGS ở khoa, ngành và lĩnh vực nào. Khi được Chính phủ đồng ý, trường sẽ thành lập hội đồng khoa học bình chọn và công nhận. Nếu trong trường hợp không chọn được ai xứng nhưng trường rất cần GS, PGS thì có thể nhờ Bộ GD&ĐT điều động nhân sự.
GS.TS Bành Tiến Long - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, thành viên Hội đồng chức danh GS Nhà nước:

Bộ tiêu chuẩn mới nâng cao chất lượng GS, PGS

Bộ tiêu chuẩn xét công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS sẽ thực hiện trong thời gian tới được xây dựng theo hướng hội nhập quốc tế và có nhiều điểm đổi mới. Đồng thời, nâng cao được chất lượng của công tác xét công nhận và bổ nhiệm GS, PGS thông qua các yêu cầu tăng lên. Ví dụ, bộ tiêu chuẩn yêu cầu ứng viên có số bài báo quốc tế tăng, tăng số lượng điểm công trình khoa học đối với GS, tăng khả năng về ngoại ngữ, đánh giá công trình có uy tín hoặc khả năng hội nhập quốc tế.