Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công nhân điện lực - Những người “gánh” bão

PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào mùa mưa bão, những công nhân điện lực chẳng mấy khi có thời gian để về với gia đình. Miền Trung nói riêng và Quảng Ngãi nói chung những ngày qua, bão chồng bão, lũ chồng lũ. Khi bão tan, công nhân điện lực lại cần mẫn, miệt mài nối lại những đường dây đứt đoạn, vá lành những lỗ thủng trong mạng lưới để đưa ánh sáng điện sớm trở về với người dân.

“Bảo đã đi khi chưa có bão - Bão đi rồi Bảo cũng chưa thấy về”- Đó là dòng trạng thái vừa thương vừa trách móc vợ anh Đặng Hoài Bảo - Trưởng phòng Tổng hợp Điện lực Trà Bồng - PC Quảng Ngãi.
 Công nhân điện lực Quảng Ngãi nỗ lực khắc phục sự cố tại một khu vực vẫn còn bị ngập sâu.
Trước khi bão số 9 đổ bộ, anh Bảo đã có mặt ở cơ quan chuẩn bị công tác phòng chống bão. Bão đi rồi, anh Bảo lại cùng anh em trong đơn vị tham gia công tác khắc phục sự cố, khôi phục lưới điện cho bà con. Có những hôm, ban ngày thì ở ngoài hiện trường, ban đêm thì ở Điện lực lên phương án khắc phục cho ngày tiếp theo. “Một ngày trôi qua vất vả nhưng lại muôn phần ý nghĩa. Cứ mỗi khu vực bà con có điện, mình lại thấy phấn khởi để tiếp tục nhiệm vụ”, anh Bảo trải lòng.
Không chỉ riêng anh Đặng Hoài Bảo, rất nhiều cán bộ công nhân viên lao động khác của PC Quảng Ngãi nhà cửa thiệt hại nặng nề sau bão số 9. Thế nhưng, gác lại những bộn bề của gia đình, các anh sẵn sàng nhận nhiệm vụ, ra hiện trường khắc phục sự cố, làm sao để khôi phục cấp điện cho người dân càng sớm càng tốt.
Anh Nguyễn Văn Cần - Công nhân Điện lực Sơn Hà, từ sau bão nhiều ngày qua cũng chưa về nhà. “Nhà tốc mái hết rồi mà vẫn chưa thể về để lợp lại được. Hôm qua phải tranh thủ gọi về nhà nhờ người lo giúp. Nhiệm vụ chung nên mình cố gắng khắc phục cấp điện cho bà con sớm rồi về lo việc nhà sau”, anh chia sẻ.
Thời tiết không chiều lòng người, Quảng Ngãi nhiều ngày qua có mưa trở lại. Những bữa ăn ngay tại nơi làm việc, mì tôm, cơm chang nước mưa là “đặc sản” mỗi ngày của anh em. Trong giờ nghỉ giải lao, các anh tranh thủ gọi về nhà hỏi thăm tình hình, chợp mắt trên nền sân hay hè nhà của người dân gần đó. Có thể không ai hiểu được hết nỗi vất vả của các anh, nhưng gia đình sẽ là nơi thấu hiểu và cảm thông hơn hết thảy.
 Công nhân ngành điện xuyên đêm khắc phục sự cố.
Bão qua, nhà của anh Phạm Quang Thành - Điện lực Bình Sơn cũng bị thiệt hại. Anh Thành may mắn khi có  bà con xóm giềng giúp lợp lại mái tôn trong lúc mình nhận nhiệm vụ ra hiện trường khắc phục sự cố. Anh Thành chia sẻ: “Công việc thì có anh em các đơn vị bạn hỗ trợ, chung tay; ở nhà thì có hậu phương luôn ủng hộ quan tâm. Đó chính là nguồn động viên tinh thần lớn lao cho mình và anh em trong những ngày này”.
Nhà anh Lê Tuấn Điệp - Công nhân Tổ Thao tác lưu động nam TP Quảng Ngãi ở Đức Phong - Mộ Đức thì bị gió bão thổi bay mái hoàn toàn, đồ đạc trong nhà ướt và hư hỏng nặng. Hôm sau bão, vợ anh gọi điện báo báo tình hình, rồi dặn dò anh cứ yên tâm công tác, việc nhà chị tự lo liệu. Thiếu đi bàn tay của người đàn ông trong gia đình giữa ngổn ngang gạch ngói, vợ anh Điệp phải đảm đương cả những phần nặng nhọc thường không giành cho phái nữ. Anh Điệp cười: “Vợ nói vậy chỉ biết tuân lệnh!”.
Anh Bảo, anh Cần, anh Điệp hay anh Thành chỉ là một số nhỏ trong rất nhiều CBCNV PC Quảng Ngãi nhà cửa thiệt hại nặng nề sau bão số 9 nhưng vẫn chưa về nhà mà đang “ăn ngủ” ngoài hiện trường, làm việc không kể ngày đêm để khôi phục lưới điện, cấp điện trở lại cho bà con.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. Ừ thì vất vả và khó khăn, nhưng niềm hạnh phúc to lớn là có sự cảm thông, chia sẻ từ gia đình, để dù bão tố phong ba các anh vẫn yên tâm công tác, cống hiến cho nghề mà mình đã chọn.