Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công tác cán bộ phải được làm bài bản, chuẩn chỉ hơn

Quốc Toản (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về việc công tác cán bộ gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong giai đoạn hiện nay.

Đâu cứ gì phải to tát
Từ thực tiễn của Chỉ thị 03, theo ông, việc triển khai Chỉ thị 05 phải làm sao để tránh hình thức và trở thành “cơm ăn, nước uống” hàng ngày?
- Trong Chỉ thị 05, Bộ Chính trị nhấn mạnh vai trò của “người đứng đầu”. Chỉ thị nêu rõ phải “xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ”. Trong số những phương châm thực hiện Chỉ thị, Bộ Chính trị nhấn mạnh “trên trước, dưới sau”; “trong trước, ngoài sau”, trong đó rất quan trọng là phải đề cao trách nhiệm nêu gương tự giác học trước, làm theo trước của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Vai trò người đứng đầu là vậy, còn khi triển khai xuống các cấp dưới, nếu học cho có, không thảo luận, không kiểm tra thì vận dụng vào thực tế sẽ rất khó. Là người trực tiếp tham gia sinh hoạt Đảng tại chi bộ cơ sở, tôi thấy việc triển khai, thực hiện Chỉ thị 05 đã bài bản, bớt hình thức hơn. Từng cấp ủy, tổ chức không chỉ học tập, quán triệt chung chung mà còn xây dựng những chương trình hành động cụ thể, vận dụng vào từng lĩnh vực một, như chống quan liêu, thể hiện trách nhiệm, kỷ cương hành chính, nói và làm thế nào…
Nhân nói về kỷ cương hành chính, đây cũng chính là chủ đề của Hà Nội năm 2017, ông có theo dõi và đánh giá thế nào về những việc TP đã và đang làm thời gian qua?
- Tôi rất hoan nghênh, đánh giá cao những chuyển động của Hà Nội thời gian qua. Như việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử ở công sở, cần thiết lắm chứ. Các quy định rất rõ ràng, không hình thức để xây dựng môi trường làm việc thật chuẩn, từ đó hướng tới một chính quyền phục vụ đúng nghĩa. Hay mới đây, Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng cũng được ban hành, hy vọng thời gian tới sẽ đi vào từng gia đình, kể cả những việc tưởng chừng rất nhỏ như lời ăn tiếng nói, ăn mặc thế nào cho phù hợp, không hút thuốc, vứt rác bừa bãi… Chính những cái nhỏ này sẽ tạo nên nếp sống văn hóa, văn minh. Nhớ lại ngày xưa, phụ nữ Hà Nội thanh lịch lắm, đi ra ngoài đều ăn mặc chỉn chu, nói năng nhẹ nhàng, tạo nên phong thái thật đẹp.  Mong rằng sắp tới, sẽ có nhiều hình ảnh người Tràng An như thế quay lại.
Rồi công tác chỉnh trang đô thị, cách làm của Hà Nội không ồn ào, nhưng hiệu quả. Quan trọng nhất là các cơ quan chức năng đã thuyết phục, vận động người dân tự giác thực hiện. Bên cạnh việc lập lại trật tự vỉa hè, TP còn quan tâm, tạo điều kiện cho người dân mưu sinh, ổn định đời sống. Học Bác là như vậy, nên đi vào những việc cụ thể mà dân tin, dân đồng thuận, quyền làm chủ được phát huy, đâu cứ gì phải to tát.
 Dụng nhân như dụng mộc
Lâu nay, công tác cán bộ vẫn được coi là vấn đề hết sức quan trọng, nhưng trên thực tế nhiều ngành, nhiều địa phương vẫn để xảy ra những sai phạm hết sức đáng tiếc. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó?
- Công tác cán bộ được xác định là then chốt của then chốt. Bác đã từng viết: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Vì vậy, nếu công tác cán bộ mà sai lầm, khuyết điểm thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng.
Đáng buồn là vừa qua, xảy ra một số chuyện lình xình trong bổ nhiệm cán bộ, như Vụ phó ở Tây Nam Bộ, nữ Trưởng phòng Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, Viện phó Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, đều có những bước thăng tiến thần tốc, mà người bình thường dù có năng lực cũng khó đạt được. Điều đó cho thấy công tác cán bộ tưởng như khá chặt chẽ nhưng vẫn còn sơ hở, nhất là khi một số cán bộ có trách nhiệm lại... thiếu trách nhiệm. Đúng sai thế nào, cơ quan chức năng sẽ kết luận, nhưng tôi nghĩ phải chấn chỉnh lại nhận thức ngay tại những cơ quan làm công tác cán bộ, làm sao cho chặt chẽ, công tâm.
Xâu chuỗi lại các sai phạm trong lĩnh vực này, tôi thấy hầu hết từ những cơ quan quản lý Nhà nước, rồi DN Nhà nước bởi quyền lợi, lợi ích quá lớn. Thế mới dẫn đến vụ Formosa, mới dẫn đến các dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”, xót xa lắm chứ. Câu hỏi đặt ra ở đây là những cán bộ lãnh đạo đó được bổ nhiệm thế nào, có năng lực, có phù hợp với chuyên môn không? Dụng nhân như dụng mộc mà đặt nhầm chỗ thì nguy hại biết bao. Vì thế, cần có quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể cho các chức danh lãnh đạo, làm về xây dựng thì phải có trình độ, bằng cấp liên quan đến xây dựng, chứ không phải học kinh tế rồi lại điều hành về… quy hoạch.
Sai phạm kéo dài, nhưng hàng năm dù qua nhiều khâu kiểm điểm vẫn không phát hiện ra, thậm chí cán bộ lãnh đạo vẫn thăng tiến, chỉ đến khi có sự cố nghiêm trọng mới lộ rõ. Vụ Formosa và đề nghị cách chức ông Võ Kim Cự là một ví dụ điển hình. Bên cạnh trách nhiệm người đứng đầu, theo ông, vai trò của cấp ủy, tập thể đến đâu trong đánh giá, kiểm điểm và quy trình bổ nhiệm cán bộ?
- Đây đúng là hạn chế lớn trong công tác cán bộ hiện nay. Không ít nơi, “vai” của cấp ủy, Ban Thường vụ rất mờ nhạt, nhiều vấn đề quan trọng cũng được tiếng mang ra thảo luận, nhưng chỉ thực hiện nửa vời bởi lãnh đạo “quyết” cả rồi. Chủ trương đó đúng thì không sao, ngược lại nếu quyết định sai sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến công việc chung. Rõ ràng cơ chế quản lý quyền lực chưa được tốt, nhất là trong khối các cơ quan quản lý Nhà nước, mới dẫn đến những vụ bổ nhiệm “như đùa” thời gian qua. Bên cạnh vai trò người đứng đầu, phải xem xét cả tập thể lãnh đạo thì mới ràng buộc được trách nhiệm.
Vậy, theo ông, có cần thêm những chế tài để việc thực hiện Chỉ thị 05 và Nghị quyết T.Ư 4 đạt hiệu quả thực chất hơn?
- Chế tài đã có từ lâu rồi, thể hiện ngay từ quy định những điều đảng viên không được làm, do đó quan trọng là thực hiện thế nào. Bản thân quy trình cũng rất chặt chẽ, do việc thực thi lại tạo ra những kẽ hở để lách thôi. Ngày xưa, công tác cán bộ của Bác Hồ, của các bậc lão thành có nhiều quy trình như bây giờ đâu, nhưng vẫn chọn được cán bộ tốt, tâm huyết với Đảng, với dân. Đó là do không bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, không bị phai nhạt lý tưởng như Nghị quyết T.Ư 4 đã đề cập. Tôi cho rằng, công tác cán bộ phải được làm bài bản, chuẩn chỉ hơn. Ngay từ khâu đánh giá, lấy ý kiến để bổ nhiệm, khi được hỏi thì những người có liên quan phải nói thẳng thắn, nếu xảy ra sai phạm sẽ bị liên đới trách nhiệm. Muốn vậy, chúng ta phải có nhiều thông tin để cung cấp cho các cơ quan chức năng. Cũng như quy trình người dân, Mặt trận cùng giám sát, cần có kênh thông tin cho người ta biết chứ, đơn cử như việc “anh” cán bộ này thu nhập thế này mà sao lại giàu đến thế. Những việc như thế phải làm đồng bộ, công khai, minh bạch thì mới hiệu quả được.
Xin trân trọng cảm ơn ông!