Còn 12 điểm ngập úng khi mưa lớn
Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 16/6, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, tình trạng ngập úng tại nội thành đã cải thiện đáng kể theo thời gian. Cụ thể, năm 2017, lực lượng chức năng đã xóa được 2/18 điểm ngập úng đã tồn tại nhiều năm. Năm 2018, 2019, đã cải tạo thoát nước tại 2/16 điểm ngập úng… Trong 6 tháng đầu năm 2020, 6 điểm ngập úng đã giảm được thời gian và chiều sâu ngập úng khoảng 50% so với trước đây. Đến nay, trên địa bàn TP còn tồn tại 12 điểm ngập úng và một số điểm nhỏ lẻ khi cường độ mưa trong khoảng từ 50 - 100mm/2 giờ. Với các trận mưa nhỏ dưới 50mm/2 giờ không xảy ra úng ngập, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố.
Cũng theo lãnh đạo Sở Xây dựng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng là do hệ thống thoát nước của Hà Nội mới chỉ được thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh trong nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5km2, còn các khu vực khác chưa được đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, một số điểm ngập úng cục bộ tồn tại do tiếp nhận bàn giao sau đầu tư theo phân cấp như các ngõ, ngách khu dân cư 12 quận nội thành, các tuyến Quốc lộ như 1A, 70, 32… khiến công tác thoát nước gặp không ít khó khăn.
Chuyển mục đích sử dụng mương tưới tiêu
Theo ông Võ Tiến Hùng – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội, trong thời gian tới, ngoài việc thực hiện nghiêm túc và hoàn thành tốt kế hoạch mùa mưa năm 2020, đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không đặt tấm chắn, vật cản lên trên hệ thống thoát nước. Tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, sửa chữa, bảo dưỡng, rửa xe lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ trước khi thải vào hệ thống thoát nước. Đồng thời, kiến nghị TP chỉ đạo các đơn vị có liên quan khi nghiên cứu lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cần tăng cường sử dụng các hố ngầm, hồ điều hòa vào các khu vực công cộng, vườn hoa, khu vui chơi, khu đô thị… để tăng cường khả năng chứa, điều hòa mực nước, giảm tải cho hệ thống truyền dẫn khi mưa.
Trong khi đó, theo ông Hoàng Cao Thắng, để hạn chế tình trạng ngập úng tại Hà Nội, các đơn vị chức năng cần rà soát, đề xuất bàn giao kênh mương không còn chức năng phục vụ canh tác nông nghiệp chuyển mục đích phục vụ thoát nước đô thị. Cùng với đó, UBND các quận, chủ đầu tư, Ban QLDA Đầu tư xây dựng TP chỉ đạo các nhà thầu thi công, khẩn trương thanh thải hệ thống thoát nước, các tuyến cống hóa mương, hạng mục thoát nước đã hoàn thành, thực hiện công tác bàn giao quản lý, duy trì sau đầu tư theo phân cấp phục vụ thoát nước đô thị. Đồng thời, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án có ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước, chỉ đạo nhà thầu thực hiện đúng phương án dẫn dòng thi công thoát nước, bảo đảm thoát nước đối với công trình đang triển khai khi có mưa lớn.