Ngày 30/12, Hội thảo “Công tác xã hội với người nghèo” do báo Dân trí phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội – Bộ LĐTB&XH tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo nhằm mục đích đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao chất lượng công tác xã hội đối với người nghèo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước, Chính phủ hết sức chăm lo tới đời sống của Nhân dân, đặc biệt là đời sống của người nghèo và các đối tượng yếu thế. Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm nghèo trước 10 năm mục tiêu đề ra so với lộ trình của Liên Hợp Quốc. Những thành tựu của công tác giảm nghèo đã đem đến sự thay đổi rất lớn, đặc biệt là nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo.
Một trong những nội dung Chính phủ và các bộ, ngành hết sức quan tâm đó là làm thế nào để phát triển những dịch vụ hỗ trợ cho người nghèo, giúp người nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, giải quyết vấn đề thu nhập. Và Việt Nam đã lựa chọn nhiều giải pháp trong đó đặc biệt chú trọng phát triển ngành nghề, hệ thống công tác xã hội.
Ở các quốc gia, công tác xã hội đã có từ 100 năm nay nhưng Việt Nam thúc đẩy nghề công tác xã hội từ năm 2010, khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020. Tuy chúng ta mới triển khai nghề công tác xã hội mới hơn 10 năm nhưng những thành quả công tác này được quốc tế đánh giá ghi nhận hết sức tích cực.
Trong giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng chiến lược về công tác giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2030, Nhà nước đặt ra 3 mục tiêu của công tác giảm nghèo đa chiều. Thứ nhất, giải quyết vấn đề về thu nhập thấp dưới mức sống tối thiểu và hỗ trợ cho người nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản. Thứ hai, giải quyết toàn diện những chiều thiếu hụt của người nghèo ở mọi nơi, mọi thời điểm. Thứ ba là giảm nghèo bền vững, hạn chế tối đa tái nghèo.
“Để giúp người nghèo giảm nghèo bền vững thì một trong những phương pháp khoa học để thực hiện đó chính là công tác xã hội. Tức là những nhân viên công tác xã hội sẽ làm việc với cá nhân, nhóm, cộng đồng. Chỉ khi chúng ta áp dụng công tác xã hội với người nghèo thì mới giải quyết căn cơ tái nghèo, giúp người nghèo thoát nghèo bền vững”– Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức nhấn mạnh.
Và, theo tiêu chuẩn nghèo mới, hiện nay cả nước có khoảng 2,4 triệu hộ nghèo với 10 triệu người nghèo. Nhưng, 10 triệu người nghèo do nguyên nhân thiếu vốn, thiếu kỹ năng, thiếu kiến thức hay thiếu kinh nghiệm tiếp cận với nguồn lực thì phải có nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp phối hợp với cán bộ công tác giảm nghèo cơ sở; từ đó, tiếp cận, làm việc với từng hộ gia đình để đánh giá, làm rõ nguyên nhân nghèo.
Theo đại diện Cục Bảo trợ xã hội, hiện nay số người cần trợ giúp của các dịch vụ công tác xã hội rất lớn, lên tới hàng chục triệu người. Tuy nhiên, hiện nay, khuôn khổ pháp lý phát triển công tác xã hội chưa được hoàn chỉnh. Đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, viên chức, nhân viên công tác xã hội chưa được xác định cụ thể trong một số bộ luật, luật.
Vì vậy, cùng với việc chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách pháp luật Công tác xã hội, bà Lê Hồng Loan – Đại diện Quỹ Nhi đồng quốc tế Liên Hợp Quốc UNICEF đã có khuyến nghị về chính sách pháp luật Công tác xã hội đối với người nghèo tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cần xây dựng một khung pháp lý toàn diện hơn về nghề công tác xã hội làm cơ sở cho các hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực này. Yêu cầu đặt ra hiện nay là xây dựng được một văn bản luật khung về nghề công tác xã hội trong đó quy định rõ vai trò và trách nhiệm của người làm nghề này, cấu trúc công tác xã hội. Và, quy định rõ công tác xã hội là một nghề, có quy định về cấp phép hành nghề.
Và, yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với Chính phủ là tiến hành phân tích nhu cầu năng lực của nguồn nhân lực công tác xã hội. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc xây dựng mạng lưới nhân viên công tác xã hội trong lĩnh vực phúc lợi xã hội và y tế là những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Cùng với đó là ban hành chuẩn chức danh nghề nghiệp và yêu cầu về chuẩn năng lực chuyên môn của người làm công tác xã hội trong các lĩnh vực…
Đến nay, mạng lưới những người làm công tác xã hội trên phạm vi cả nước là 235.000 người. Riêng hệ thống mạng lưới cung cấp dịch vụ công tác xã hội thuộc ngành LĐTB&XH có khoảng 425 cơ sở. Các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh đều có phòng hoặc bộ phận, trung tâm công tác xã hội và đang mở rộng đến bệnh viện tuyến huyện. Ngành giáo dục đang hình thành vị trí việc làm, vị trí nhân viên tâm lý hỗ trợ học đường. Đây là thành quả hết sức tích cực đối với việc phát triển công tác xã hội ở Việt Nam.