Rất nhiều công trình “khủng” mọc lên, phá vỡ cảnh quan ở các di tích đã xếp hạng quốc gia, thậm chí được thế giới ghi danh, nhưng sau kiểm tra vẫn ngang nhiên tồn tại, chưa từng có tiền lệ dỡ bỏ.
Vi phạm khó chấp nhậnTrước vi phạm xuất hiện ở di sản danh thắng Tràng An và núi Sam, các nhà quản lý từng chứng kiến những vi phạm điển hình như: Tự ý trùng tu tu bổ di tích xếp hạng cấp quốc gia chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội), xây mới Hương nghiêm Pháp đường trong khu vực bảo vệ 1 của di tích chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), tu bổ sai, cấy thêm nhiều hạng mục tại ngôi chùa xếp hạng cấp quốc gia Khúc Thủy (Thanh Oai, Hà Nội).
|
Công trình xây dựng vi phạm trong khu vực lõi của di sản danh thắng Tràng An (Ninh Bình) |
PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng những vi phạm này là khó chấp nhận. Bởi như để công trình xây xuyên lõi khu di sản Tràng An (Ninh Bình) là vi phạm Luật Di sản, Luật Xây dựng lẫn công ước quốc tế. Khi Tràng An được đưa vào danh sách di sản quốc gia, thì không chỉ địa phương mà cả nước phải có trách nhiệm giữ gìn, quản lý. Từ việc tôn tạo để phát huy giá trị di sản, đến xây mới các công trình đều phải xin phép chính quyền các cấp: Huyện, tỉnh, trình Bộ VHTT&DL và Hội đồng Di sản văn hóa xem xét. Công trình không phép đồ sộ ở khu di sản UNESCO là điều khó chấp nhận. PGS.TS Đặng Văn Bài cho biết đầu tháng 7/2018, cuộc họp thường niên của Ủy ban Di sản thế giới diễn ra. Rất có thể vụ việc ở Tràng An sẽ được nhắc đến.
Miếu Bà chúa Xứ Núi Sam là khu di tích cấp quốc gia. Nơi đây được xem là điểm đến mang đậm nét văn hóa tâm linh, tín ngưỡng dân gian Nam Bộ, thu hút 5 - 6 triệu lượt khách đến tham quan hàng năm. Tuy nhiên, những ngày qua, người dân và chính quyền TP Châu Đốc (An Giang) vô cùng bức xúc khi thấy DN xây dựng cáp treo Núi Sam tiến hành xây dựng thêm tượng Bà chúa Xứ trên núi Sam. Việc thi công công trình chưa được cấp phép. Đặc biệt, trên một danh thắng xuất hiện 2 Bà chúa Xứ là đi ngược lại truyền thuyết bao đời nay và phá đi ý nghĩa của lễ hội. Hiện nay, công trình xây dựng vi phạm ở núi Sam vẫn đang trong quá trình chờ xử lý.
Vì sao khó dỡ bỏ?Thực tế, không phải nhà chùa, đơn vị xây dựng hay chính quyền địa phương không hiểu các quy định của Luật đối với việc bảo vệ di sản. Chủ yếu các cá nhân, đơn vị này làm ngơ trước quy định của pháp luật, cố tình xây dựng, sau có bị kiểm tra nhắc nhở rồi xử phạt và cho tồn tại. Công trình Hương nghiêm Pháp đường ở chùa Hương được ví như "nhà khách 5 sao" mọc lên giữa di sản, kiến trúc lai căng, nhưng đã xây rồi khó có thể phá. Chính vì vậy, sau rất nhiều công sức kiểm tra, hội thảo, cơ quan quản lý cũng chỉ có thể yêu cầu chỉnh sửa kiến trúc bên ngoài, tạo hành lang ngăn cách giữa chùa Thiên Trù và Hương nghiêm Pháp đường để tránh phản cảm. Hoặc chùa Khúc Thủy (Thanh Oai), công trình xây dựng vi phạm đã 7 năm, nhưng mọi yêu cầu di dời, chỉnh sửa vẫn còn nguyên như vi phạm ban đầu.
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, “Trên thế giới vẫn có những công trình xâm phạm di sản. Tuy nhiên, ở nước ngoài họ xử lý rất nghiêm và quyết liệt”. Trong khi đó ở Việt Nam, như việc tự ý xây dựng trái phép tượng Bà chúa Xứ trong Khu di tích lịch sử danh thắng quốc gia núi Sam mới chỉ bị phạt hành 30 triệu đồng. Hoặc sau khi thanh tra Bộ VHTT&DL kiểm tra công trình xây dựng vi phạm ở danh thắng Tràng An cũng chỉ dẫn giải được mức phạt 70 - 80 triệu đồng. Các cơ quan quản lý có yêu cầu đơn vị thi công phải dỡ bở công trình vi phạm, nhưng nhìn lại Việt Nam chưa có tiền lệ. Chính vì vậy, vi phạm vẫn ngang nhiên diễn ra và di sản nhanh chóng bị tàn phá.