Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt chính thức đi vào hoạt động

Thảo Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Từ hôm nay (1/11/2024), Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt hợp nhất từ Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn chính thức bắt đầu hoạt động. 

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xem xét, cấp phép về việc chào bán cổ phiếu để hoán đổi, thực hiện hợp nhất. Trên cơ sở đó, Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ chỉ đạo người đại diện phần vốn tại 2 công ty thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định để hợp nhất như: công bố thông tin, chốt danh sách hoán đổi cổ phiếu, hủy đăng ký công ty đại chúng của Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt,...

Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt hợp nhất từ Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn chính thức bắt đầu hoạt động từ 1/11/2024. Ảnh TA
Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt hợp nhất từ Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn chính thức bắt đầu hoạt động từ 1/11/2024. Ảnh TA

Theo đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn là cổ đông lớn nhất và giữ vai trò chi phối, theo luật Công ty Cổ phần vận tải Đường sắt sẽ kế thừa nghĩa vụ, trách nhiệm của 2 công ty kể trên và đảm bảo mọi quyền lợi cho quý khách hàng, đối tác.

Trước giờ hợp nhất

Vốn chủ sở hữu của Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt sau hợp nhất khoảng 1.300 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT) 503,1 tỷ đồng (Tổng công ty chiếm 78,44% vốn điều lệ), vốn chủ sở hữu Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT) 800,5 tỷ đồng (Tổng công ty chiếm 91,62% vốn điều lệ).

Hiện một cổ phiếu SRT sẽ nhận được hơn 0,855 cổ phiếu của đơn vị hợp nhất là Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt, trong khi đó một cổ phiếu HRT sẽ được quy đổi ra gần 1,1 đơn vị. Trong một năm qua, thị giá SRT tăng 12% nhưng giảm hơn 36% so với lúc mới niêm yết. thị giá HRT tăng gần 40% nhưng giảm 33% so với lúc mới niêm yết.

Tổng tài sản của SRT (tính đến 30/6/2024) trên 1.085 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm, trong đó tài sản ngắn hạn trên 245 tỷ đồng, tài sản dài hạn trên 840 tỷ đồng. Trong đó, có 3 hợp đồng tín dụng thời hạn 15 năm (giai đoạn 2016 - 2018) với các Ngân hàng Công thương- Chi nhánh 3 TP Hồ Chí Minh 98,4 tỷ đồng (đầu tư mới 30 toa xe khách), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam- Chi nhánh Hải Phòng 163,1 tỷ đồng (đầu tư mới mới 30 toa xe khách, 50 toa xe Mc), Ngân hàng Xăng dầu 128,4 tỷ đồng (đầu tư mới mới 30 toa xe khách).

“Chắc chắn, chúng tôi không để ai bị mất việc sau hợp nhất công ty” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty Đỗ Văn Hoan khẳng định. Ảnh TA
“Chắc chắn, chúng tôi không để ai bị mất việc sau hợp nhất công ty” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty Đỗ Văn Hoan khẳng định. Ảnh TA

Theo Tổng giám đốc SRT Thái Văn Truyền: Tình hình kinh doanh của đơn vị trước khi hợp nhất đang khởi sắc, lũy kế 9 tháng đầu năm, SRT có gần 1.645 tỷ doanh thu và gần 86,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 21% và 8% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành gần 90% chỉ tiêu doanh thu. 

Lũy kế 9 tháng, HRT ghi nhận gần 2.272 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm 23% đạt 76 tỷ đồng. Như vậy, HRT thực hiện được 75% kế hoạch doanh thu nhưng vượt xa mục tiêu lợi nhuận năm nay. 

Phó Tổng giám đốc HRT Nguyễn Hồng Linh cho biết: tháng 10, công tác kinh doanh của đơn vị đang khá tốt, doanh thu vận tải tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó vận tải hành khách tăng 16%, hàng hóa tăng 9%. Tháng 10, doanh thu tàu SE1/2 bình quân 795 triệu đồng/vòng quay, tàu SE5/6 bình quân 585,6 triệu đồng/vòng quay, tàu SE19/20 bình quân 372,4 triệu/vòng quay. Thời gian quay vòng toa xe hàng 5,65 ngày, giảm 1,07 ngày so với cùng kỳ năm 2023.

Ngày càng nhiều hành khách vào ga, đi tàu. Ảnh TA
Ngày càng nhiều hành khách vào ga, đi tàu. Ảnh TA

Bộ khung của đơn vị

Trong mô hình tổ chức mới, HĐQT Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt gồm có 5 thành viên. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt (Công ty) Đỗ Văn Hoan và Phó Bí thư Đảng ủy Công ty Nguyễn Hữu Thành mỗi người được ủy quyền đại diện 35% phần vốn của Tổng công ty, Tổng giám đốc Công ty Đào Anh Tuấn đại diện 30% phần vốn của Tổng công ty, 2 Ủy viên HĐQT Công ty còn lại là các ông Nguyễn Văn Khiên, Thái Văn Truyền. 

Ban Tổng giám đốc Công ty gồm có 5 thành viên, gồm Tổng giám đốc Đào Anh Tuấn, các Phó Tổng giám đốc Trần Văn Nam, Thái Văn Truyền, Nguyễn Hồng Linh, Mai Thế Mạnh, bà Vương Phương Thảo giữ chức Trưởng ban kiểm soát. Sau khi hợp nhất, trụ sở Công ty đóng tại 130 Lê Duẩn, Hà Nội và Văn phòng đại diện tại 136 Hàm Nghi, TP Hồ Chí Minh.

Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt chính thức đi vào hoạt động - Ảnh 1

Quan điểm xuyên suốt quá trình tái cơ cấu của lãnh đạo Tổng công ty ĐSVN và Công ty là không để bất cứ ai bị mất việc sau khi hợp nhất. Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, có ít nhất 8 cán bộ SRT, (trong đó có 4 người sẽ tham gia bộ máy quản lý, điều hành) sẽ có mặt tại tại 130 Lê Duẩn, Hà Nội để làm việc ngay từ ngày đầu.

Theo Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN Hoàng Gia Khánh thì Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thống nhất với ý kiến của các cơ quan về việc nghiên cứu, xây dựng lộ trình phù hợp giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Công ty mẹ tại Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt sau hợp nhất, đồng thời phải linh hoạt, để có thể thuận lợi thoái vốn khi có đối tác.Việc giảm cổ phần chi phối sẽ tách bạch hoạt động điều hành và hoạt động vận tải, tạo điều kiện để nhà đầu tư mới tham gia, đổi mới, nâng cao dịch vụ vận tải đường sắt.

Giá thành vận tải, thách thức lớn

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty Đỗ Văn Hoan cho biết: kinh doanh vận tải của 2 công ty trước thời điểm hợp nhất đang có những chuyển biến tích cực nhưng nhiệm vụ sắp tới của Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt vẫn khá nặng nề. Đầu tiên là phải nhanh chóng ổn định bộ máy, đảm bảo tính kế thừa trong sản xuất kinh doanh, nhất là công tác an toàn chạy tàu.

Tiếp đó là phải khẩn trương bắt tay vào xây dựng chiến lược kinh doanh vận tải năm 2025 và những năm tiếp theo. Việc hợp nhất sẽ giúp cho đơn vị tập trung nguồn lực đầu tư, nâng cao hiểu quả sử dụng toa xe, nhất là toa xe hàng và thống nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành.

Theo nhận định của các chuyên gia đường sắt, đâu là mô hình và bộ máy tổ chức hợp lý nhất có thể, tính tới thời điểm này. Vấn đề quan trọng nhất là công tác nắm bắt thị trường và chiến lược kinh doanh của Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt, đơn vị chiếm 93% thị phần vận tải đường sắt như thế nào để tối ưu chi phí, hạ giá thành để nâng dần sức cạnh tranh, từng bước cải thiện thu nhập cho người lao động.