Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị ngày 30/1, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Phạm Tuấn Anh chia sẻ, thực hiện Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội, Công viên Tuổi trẻ Thủ đô đã chính thức được bàn giao cho quận Hai Bà Trưng quản lý từ ngày 1/1/2024. Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, UBND phường Thanh Nhàn được giao thực hiện công tác quản lý chống tái lấn chiếm khu vực Công viên đến hết tháng Chạp năm Quý Mão (khoảng đầu tháng 2/2024), sau khi kết thúc chợ Hoa Xuân của quận - đã được khai trương từ ngày 10 tháng Chạp tại khu vực Công viên phía cổng đường Thanh Nhàn.
Sau đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng sẽ tiếp nhận để thực hiện các công việc liên quan đấu thầu, quản lý Công viên (Ban đang lựa chọn đơn vị đủ tư cách pháp nhân). Đồng thời, Phòng Quản lý đô thị quận được giao rà soát mọi hạng mục đã xuống cấp, nhất là các đường dạo, để thực hiện công tác chỉnh trang trong Công viên.
Đặc biệt, chủ trương chung của quận là tiến tới đề xuất cho phá bỏ tường rào xung quanh để trở thành một “công viên mở”, tạo không gian vui chơi giải trí tốt nhất cho người dân.
Trong số 5 cổng của Công viên, nhằm đảm bảo chặt chẽ, thuận tiện cho công tác quản lý và bảo vệ, chấm dứt việc xe ô tô vào đỗ trái phép, UBND phường đã cho khóa kín, hạ barie tại 3 cổng từ cuối tháng 12/2024, ngay sau khi hoàn thành phá dỡ các hạng mục công trình vi phạm (chỉ còn công trình Cung Xuân sắp hoàn thành phá dỡ, sẽ xong trước Tết Giáp Thìn). Hiện chỉ để lại 2 cổng phục vụ ra vào Công viên và hoạt động chợ Hoa Xuân.
Hằng ngày, chính quyền phường Thanh Nhàn huy động các lực lượng Công an, dân phòng… phân công nhau trực 24/24h trong khu vực Công viên để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, ngày 17/1/2024, UBND TP đã ban hành Quyết định 336/QĐ-UBND về việc chấm dứt giao Công ty Thương mại và Đầu tư phát triển Hà Nội tổ chức giải phóng mặt bằng (GPMB), chuẩn bị đầu tư xây dựng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô tại Quyết định 442/QĐ-TTg ngày 13/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại quyết định này, UBND TP giao UBND quận Hai Bà Trưng quản lý toàn bộ phạm vi ranh giới Công viên Tuổi trẻ Thủ đô theo hiện trạng quản lý, sử dụng đất, công tác GPMB và thực hiện theo chức năng quản lý nhà nước tại địa phương; quản lý, sử dụng 199.939,045m2 đất (đã thực hiện GPMB) vào mục đích làm công viên; 64.396,955m2 đất chưa thực hiện GPMB để quản lý theo quy hoạch.
Đồng thời, khẩn trương lập điều chỉnh quy hoạch phù hợp định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô; lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư Công viên Tuổi trẻ Thủ đô theo phân cấp cấp huyện quản lý và thực hiện các chỉ đạo của TP để tiếp tục thực hiện công tác GPMB theo quy định.
Đặc biệt, UBND quận có trách nhiệm quản lý, chống lấn chiếm quỹ đất đã được GPMB; quản lý Nhà nước về đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính theo quy định trong phạm vi ranh giới Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có); báo cáo đề xuất UBND TP xử lý các nội dung vượt thẩm quyền.
Quận cũng thực hiện các nhiệm vụ được giao để giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong quá trình hình thành, thực hiện dự án, quản lý, sử dụng đất, xây dựng công trình trong Công viên Tuổi trẻ Thủ đô đã được Thành ủy, UBND TP, Tổ công tác của TP chỉ ra; các nội dung nêu tại Kết luận thanh tra số 1676/KL-TTTP (P5) ngày 23/4/2020 và các chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, xử lý, giải quyết của UBND TP.
Sau khi dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt, thực hiện đăng ký danh mục các công trình, dự án thu hồi đất và danh mục kế hoạch sử dụng đất hằng năm trình cấp thẩm quyền phê duyệt, làm căn cứ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, GPMB; thu hồi đất, giao đất để thực hiện dự án theo trình tự Luật Đất đai.