Tạo không gian mở cho người dân
Thực tế qua rất nhiều năm vận hành, Công viên Tuổi trẻ Thủ đô chưa lần nào được cải tạo sửa chữa lớn, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật (HTKT) bên trong đã xuống cấp. Nhất là nhiều cây xanh bị gãy đổ sau cơn bão số 3 vừa qua, hệ thống chiếu sáng vừa ít vừa hư hỏng nặng, trong khi kinh phí sửa chữa có hạn. Trước thực trạng đó, sau khi được giao quản lý toàn diện Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, UBND Quận Hai Bà Trưng xác định có rất nhiều việc phải làm.
Đến nay quận đã cơ bản xử lý dứt điểm các vi phạm về trật tự xây dựng trong khu vực, nhưng hiện phải quan tâm 2 nhiệm vụ quan trọng là duy trì HTKT bên trong Công viên và có phương án đầu tư cải tạo tổng thể để khắc phục những tồn tại do Công viên đã xuống cấp lâu ngày.
UBND quận đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) quận rà soát để lập dự án nâng cấp cải tạo tổng thể Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, tuy nhiên, theo lãnh đạo Ban, việc cải tạo Công viên chưa triển khai tổng thể được ngay vì quận đang phải thực hiện nhiệm vụ quan trọng hơn là điều chỉnh quy hoạch (QH) chi tiết trong Công viên theo chỉ đạo của Thành ủy về việc xem xét đưa khu dân cư phía Đông Công viên ra khỏi phạm vi QH để bảo đảm ổn định đời sống, tạo điều kiện về xây dựng cho người dân.
Phó Giám đốc Ban QLDA ĐTXD Quận Hai Bà Trưng Ngô Thế Anh cho hay, đồ án điều chỉnh QH chi tiết đặt ra 2 vấn đề. Đó là, xem xét hiện trạng HTKT trong Công viên để có định hướng điều chỉnh QH một cách tổng thể nhất, với hệ thống đường dạo xung quanh vừa mang tính chất ranh giới của Công viên vừa tạo không gian dễ dàng cho người dân tiếp cận các hoạt động vui chơi giải trí bên trong. Đồng thời, QH có thể xem xét lại hệ thống HTKT để mang tính chất “mở” hơn cho Công viên. Vì thế, rõ ràng việc đầu tư phải chờ QH chi tiết được phê duyệt.
Với những lý do đó, UBND Quận Hai Bà Trưng chủ trương rà soát để có phương án duy tu, duy trì, chỉnh trang HTKT trong Công viên mang tính chất trước mắt bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân; phấn đấu trong năm 2025 Công viên có diện mạo mới về không gian phía bên ngoài. Vì vậy, đã giao Ban QLDA ĐTXD cùng các phòng, ngành quận đề xuất dự án chỉnh trang 2 tuyến phố giáp Công viên là Võ Thị Sáu và Thanh Nhàn, đặc biệt chỉnh trang toàn bộ hệ thống vỉa hè dọc 2 tuyến, với tổng chiều dài hơn 600m.
Sau khi 2 tuyến hè được chỉnh trang, công tác quản lý trật tự đô thị sẽ được quan tâm hơn, đặc biệt quận nghiên cứu phương án tạm dừng cấp phép trông giữ xe trên 2 tuyến hè và bố trí các điểm trông giữ khác phù hợp hơn, để hoạt động của người dân được tiếp cận nhanh với Công viên.
Song song đó, nối tiếp thành công của việc hạ rào Công viên Thống Nhất, UBND quận đã báo cáo TP cho phép thực hiện hạ rào Công viên Tuổi trẻ Thủ đô trên 2 đoạn phố Võ Thị Sáu và Thanh Nhàn. UBND TP đã có thông báo về chủ trương và yêu cầu quận tiếp thu hướng dẫn của Sở Xây dựng, theo đó Sở đã hướng dẫn quận lập phương án hạ rào và tổ chức thực hiện, bám theo các quy định nhất là Quy định số 35 của TP về sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để thực hiện cải tạo sửa chữa.
Ông Ngô Thế Anh thông tin, UBND quận mới đây đã phê duyệt 2 dự án chỉnh trang hè phố Võ Thị Sáu và hè phố Thanh Nhàn, phấn đấu khởi công trong tháng 11/2024 và hoàn thành trước tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Đối với hạng mục hạ rào Công viên, phương án đã được lập, theo đó Ban sẽ thực hiện hạ rào trên phố Võ Thị Sáu trước (từ khu vực Cổng nhà hàng Queen Bee (cũ) trên phố Võ Thị Sáu đến ngã ba Võ Thị Sáu-Thanh Nhàn) và sau đó hạ rào trên phố Thanh Nhàn (từ ngã ba Thanh Nhàn-Võ Thị Sáu đến đoạn tiếp giáp Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn).
“Chúng tôi sẽ bố trí hệ thống chiếu sáng và dải bồn cây xanh dọc toàn tuyến để tạo hàng rào “mềm” ngăn cách ranh giới Công viên với hè phố, đường giao thông, trong đó có các lối mở để người dân dễ dàng tiếp cận Công viên. Như vậy từ tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, người dân Quận Hai Bà Trưng nói riêng và TP Hà Nội nói chung sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong tiếp cận các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô giống như sự thuận lợi ở Công viên Thống Nhất”- ông Ngô Thế Anh khẳng định.
Giải bài toán trông giữ phương tiện
Liên quan công tác quản lý của chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Phạm Tuấn Anh cho hay, từ trước đến nay Công ty khai thác điểm đỗ (VT68) được UBND Quận Hai Bà Trưng cấp phép tạm để tổ chức trông giữ xe dọc hàng rào Công viên Tuổi trẻ Thủ đô trên 2 tuyến Thanh Nhàn và Võ Thị Sáu, song tới đây khi hạ rào Công viên và cải tạo hè 2 tuyến phố thì sẽ không được cấp phép ở đó nữa.
Trước tình hình này, UBND phường đã báo cáo UBND quận về việc khu vực xung quanh Công viên có khá nhiều khu tập thể, riêng tại phố Võ Thị Sáu có tới 8 nhà tập thể, chung cư cũ, với lượng lớn phương tiện của người dân, nên sẽ khó khăn trong giải quyết nhu cầu trông giữ xe. UBND quận cần xem xét bố trí điểm trông giữ hợp lý, tránh tình trạng người dân không đỗ xe được trên vỉa hè thì lại đỗ xuống lòng đường, gây nhiều vất vả cho cán bộ phường.
“Chúng tôi đang đề xuất bố trí điểm đỗ ở số 46 Thanh Nhàn nhưng liên quan đến đơn giá, vì đất thuộc Công viên mà hiện mới có đơn giá trông giữ xe vỉa hè thôi, trong khi đơn giá trong Công viên chưa được Sở Tài chính hướng dẫn. Cũng hy vọng sau khi hạ rào Công viên và cải tạo hè 2 tuyến, UBND quận sẽ lập một Ban quản lý toàn diện đối với Công viên Tuổi trẻ Thủ đô giống như với Công viên Thống Nhất. Bởi thực tế, lực lượng của phường rất mỏng, không có chức danh cán bộ đô thị mà chỉ kiêm nhiệm, Công an phường chỉ có 4 cán bộ trật tự. Đó là những áp lực về quản lý đô thị đối với chính quyền phường”- ông Phạm Tuấn Anh chia sẻ.
Cùng với giải pháp của quận thiết kế những bồn hoa đẹp để chống việc ô tô đỗ lên vỉa hè, trước mắt, UBND phường sẽ tiếp tục tích cực phối hợp Công an phường tổ chức lực lượng tuần tra kiểm soát để ngăn chặn bán hàng rong, vi phạm trật tự đô thị. Trong đó, hằng ngày 3 cán bộ UBND phường cùng Tổ trật tự của Công an phường tuần tra canh gác trong Công viên.
Đối với bài toán nan giải nhất là điểm trông giữ phương tiện, UBND phường đề xuất trước mắt bố trí tạm thời các điểm đất trống trong Công viên để trông giữ xe phục vụ du khách đến vui chơi; đồng thời có thêm điểm trông giữ bên ngoài Công viên cho người dân xung quanh, bởi tới đây không được đỗ trên vỉa hè nữa thì các phương tiện sẽ có thể đỗ xuống lòng đường, gây áp lực kể cả cho các khu vực xung quanh.
Trong đó, đề xuất cấp phép tạm cho 1 đơn vị trông giữ xe ở điểm đất trống trước cổng Công viên ở phố Thanh Nhàn, cũng bởi Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn có diện tích nhỏ nhưng nhu cầu trông xe rất lớn, nhất là những ngày có nhiều đám hiếu diễn ra.
Nhiều năm sinh sống tại phố Võ Thị Sáu, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban CTMT địa bàn dân cư số 10 phường Thanh Nhàn Nguyễn Thị Ngọc Trinh bày tỏ, địa bàn dân cư nằm dọc Công viên Tuổi trẻ Thủ đô từ số nhà 42 đến 98 phố Võ Thị Sáu, với lượng dân cư đông, hằng ngày tập thể dục, vui chơi tại Công viên. Dự án đầu tư cải tạo Công viên này đã có từ lâu rồi mà chưa được triển khai, gây khá nhiều khó khăn cho chính quyền sở tại trong công tác quản lý cũng như làm hạn chế đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân.
Được biết TP và quận có chủ trương hạ hết hàng rào Công viên và lát lại vỉa hè, người dân rất phấn khởi, mong sớm triển khai để kịp đón tết Nguyên đán. Sau khi mở Công viên sẽ tạo thuận lợi cho người dân nhưng cũng khó khăn hơn cho chính quyền, do lượng người vào và xe cộ đi lại, cần tăng cường quan tâm quản lý an ninh trật tự và các vấn đề xã hội cho đồng bộ với việc cải tạo vỉa hè, hạ rào.
"Xác định khi đã được thụ hưởng, được các cấp chính quyền quan tâm tạo ra môi trường xanh sạch đẹp như vậy, thì quyền lợi và trách nhiệm phải đi đôi nhau, nên chúng tôi sẽ chú trọng tuyên truyền tại địa bàn mình, mọi người trong quá trình sử dụng Công viên cần thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, có ý thức trong sinh hoạt cộng đồng, vui chơi lành mạnh trong khu vực”- bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh bộc bạch.