Ngày 8/9, người đứng đầu Liên minh Vaccine GAVI, tổ chức tài trợ cho chương trình COVAX cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), đã kêu gọi các nước giàu chia sẻ thêm nhiều vaccine.
''Mục tiêu cung cấp 2 tỷ liều vaccine Covid-19 cho các nước nghèo sẽ bị cắt giảm 30% so với mục tiêu 2 tỷ liều, xuống còn 1,425 tỷ liều trong năm nay'', theo thông cáo chung được Liên minh Vaccine Gavi, WHO, UNICEF và CEPI công bố ngày 8/9.
Các tổ chức cho biết, quyết định cắt giảm bắt nguồn từ nhiều yếu tố, gồm hạn chế xuất khẩu vaccine của Viện Huyết thanh Ấn Độ - một trong những nhà cung cấp chính. Bên cạnh đó, các vấn đề sản xuất của hãng Johnson & Johnson và AstraZeneca, cũng như chậm trễ phê duyệt vaccine mới do Novavax (Mỹ) và Clover Biopharmaceuticals (Trung Quốc) phát triển cũng ảnh hưởng lớn đến nguồn cung.
"Đây là điều rất tồi tệ đối với toàn thế giới bởi chúng ta đã thấy những hậu quả khủng khiếp xảy ra khi virus lây lan không kiểm soát", Giám đốc điều hành GAVI Seth Berkley nói tại cuộc họp báo hôm 8/9.
Tuyên bố chung cho biết mục tiêu 2 tỷ liều dự kiến đạt được vào quý I/2022. WHO cũng kêu gọi các nước không triển khai kế hoạch tiêm tăng cường trước cuối năm nay, để dành nguồn vaccine cho những người chưa được tiêm liều đầu tiên.
Hiện thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 221 triệu ca nhiễm Covid-19 và 4,76 triệu người đã tử vong, theo thống kê của Reuters.
Ông Berkley nhận định các quốc gia đã đáp ứng nhu cầu trong nước nên giảm khối lượng dự trữ.
Một số quốc gia giàu có đang lên kế hoạch tiêm mũi vaccine thứ 3, do lo ngại khả năng bảo vệ sau 2 mũi tiêm suy giảm. Tuy nhiên, ông Berkley nhấn mạnh chưa có chứng thực khoa học nào về việc cần thực hiện rộng rãi mũi vaccine tăng cường. “Nếu có nguồn cung cấp vaccine không giới hạn, chúng ta có thể sử dụng chúng trong các mô hình thử nghiệm, nhưng tôi nghĩ ngay bây giờ chúng ta nên tập trung vào khu vực cần thiết”, ông Berkley nhấn mạnh.