Covid-19 diễn biến tiêu cực đẩy giá xăng dầu ngày 6/8 giảm

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu thô suy giảm ngày một lớn khiến giá xăng dầu hôm nay tiếp tục có chiều hướng đi xuống.

Tính đến đầu giờ sáng 6/8 (theo giờ Việt Nam), trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10/2021 đứng ở mức 68,54 USD/thùng, giảm 0,20 USD/thùng trong phiên.
Ảnh minh họa.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 10/2021 đứng ở mức 71,12 USD/thùng, giảm 0,17 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu ngày 6/8 có xu hướng giảm khi thông tin tiêu cực về dịch Covid-19 do biến thể Delta liên tục được phát đi làm gia tăng lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu thô toàn cầu.
Giới phân tích lo ngại, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến tiêu cực, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị gián đoạn, nhu cầu dầu thô sẽ sụt giảm mạnh khi các hoạt động sản xuất theo đó bị đình trệ.
Giá dầu ngày 6/8 giảm còn do thông tin dữ trữ dầu thô Mỹ tăng trở lại. Cụ thể, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của nước này tăng 3,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 30/7. Giá dầu hôm nay giảm còn do đồng USD duy trì đà phục hồi.
Tại thị trường trong nước, hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 20.498 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 21.681 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 16.375 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 15.398 đồng/lít; giá dầu mazut không cao hơn 15.522 đồng/kg.
Giới phân tích cho rằng, trong thời gian tới, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với bức tranh tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đặt giá dầu thô dưới áp lực rất lớn.
Tại Trung Quốc, đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất đang khiến các điểm du lịch lớn của nước này đã buộc phải đóng cửa; các sự kiện lễ hội, ẩm thực... cũng buộc phải hoãn hoặc huỷ. Nhiều biện pháp nghiêm ngặt đã được áp dụng như Bắc Kinh đã cấm người dân từ 23 tỉnh, thành đến Thủ đô bằng đường sắt.
Bloomberg phân tích, cùng với những thiệt hại do lũ lụt gây ra gần đây, các biện pháp phòng chống dịch bệnh đang được áp dụng có thể khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng không được như kỳ vọng, có nguy cơ lao dốc.
Với những thông tin trên, Tập đoàn tài chính toàn cầu Nomura Holdings đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý III/2021 từ 6,4% xuống còn 5,1% và 3 tháng cuối năm giảm từ 5,3% còn 4,4%. Tính chung cả năm, Nomura Holdings hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ 8,9% xuống còn 8,2%.
Tại Mỹ, báo cáo bảng lương tư nhân ADP của thấp hơn nhiều dự kiến cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ đang chậm lại rõ rệt. Cụ thể, theo ADP, khu vực tư nhân chỉ tạo ra 330.000 việc làm trong tháng 7, thấp hơn rất nhiều con số dự báo 695.000 được dự báo trước đó.
Tăng trưởng kinh tế của khu vực EU cũng có dấu hiệu chững lại khi các dữ liệu về chỉ số PMI dịch vụ tháng 7 chỉ đạt 59,8 điểm, thấp hơn mức dự báo 60,6 của Investing; doanh số bán lẻ khu vực EU tháng 6 tăng 5% so với cùng kỳ 2020 nhưng chỉ tăng 1,5% so với tháng 5, thấp hơn mức dự báo 1,7% của Investing; chỉ số PMI hỗn hợp của Đức tháng 7 ở mức 62,4; thấp hơn dự báo 62,5 của Investing, trong khi PMI dịch vụ chỉ đạt 61,8 điểm, thấp hơn mức dự báo 62,2…
Giá dầu còn bị kìm hãm bởi lo ngại về mức độ tuân thủ thoả thuận cắt giảm sản lượng của các nước thành viên OPEC+.