Singapore lo ngại số ca Covid-19 nặng tăng trở lại
Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong hôm 19/9 cảnh báo rằng số lượng bệnh nhân Covid-19 cần được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt có thể tăng nhanh trở lại trong thời gian tới.
"Một số người nói với tôi rằng với tỷ lệ bao phủ vaccine rộng và số ca phải điều trị tích cực (ICU) hiện tại chỉ là 14, chúng ta không cần phải lo lắng", Bộ trưởng Lawrence Wong cho hay. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng Singapore "không thể tự mãn".
“Hiện có 14 bệnh nhân phải điều trị trong phòng ICU, nhưng con số này có thể thay đổi rất nhanh” - Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong, đồng chủ tịch nhóm chuyên trách chống Covid-19, viết trên trang Facebook cá nhân ngày 19/9.
Vaccine ngừa Covid-19 có thể ngăn tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng hơn, song Bộ trưởng Wong lưu ý "khả năng bảo vệ của chúng không phải là 100%".
Theo dữ liệu từ Bộ Y tế Singapore, khoảng 0,2% số bệnh nhân hiện nay có nguy cơ phải chăm sóc tích cực. Đây là một con số tương đối nhỏ nhưng nó có thể tăng "theo cấp số nhân" khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ông Wong nói thêm rằng tình hình hiện tại có thể thay đổi theo thời gian, khi những người cao tuổi hoặc người chưa tiêm chủng bị nhiễm virus vì nhóm này nếu mắc bệnh sẽ rất dễ trở nặng. "Đó là lý do vì sao chúng ta không bao giờ được phép chủ quan", Bộ trưởng Wong nói, đồng thời lưu ý thêm rằng một đến hai tuần tới sẽ rất quan trọng trong việc theo dõi xu hướng lây nhiễm và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.
Bộ trưởng Wong kêu gọi người dân, đặc biệt là người cao tuổi, hạn chế tối đa các hoạt động xã hội không thiết yếu. "Hãy thường xuyên xét nghiệm để đảm bảo bạn không nhiễm virus SARS-CoV-2 và không lây nhiễm virus cho người xung quanh", Bộ trưởng Wong cho hay.
Singapore ghi nhận 77.804 ca nhiễm tính đến ngày 19/9, tăng 1.012 ca so với một ngày trước, trong khi số ca tử vong vẫn giữ nguyên ở 60.
Philippines lên kế hoạch mở cửa 120 trường học
Bộ trưởng Giáo dục Philippines ngày 20/9 thông báo, Tổng thống nước này Rodrigo Duterte đã phê duyệt kế hoạch mở cửa lại trường học tại những khu vực có nguy cơ thấp đối với dịch Covid-19. Theo đó, 120 trường học sẽ tham gia chương trình thử nghiệm mở cửa trở lại trong vòng 2 tháng.
Tổng thống Duterte từng bác bỏ các đề xuất trước đó về việc thí điểm mở lại trường học vì lo ngại trẻ em có thể mắc Covid-19 và làm lây nhiễm cho người thân lớn tuổi. Philippines là một trong những nước đang chứng kiến đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất tại châu Á.
Tuy nhiên, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) vừa bày tỏ lo ngại về việc đóng cửa trường học kéo dài tại Philippines đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giáo dục ở nước này. Philippines hiện là một trong số 17 quốc gia trên toàn cầu đóng cửa toàn bộ trường học do đại dịch Covid-19 bùng phát, theo một báo cáo mới nhất của UNICEF.
Viện dẫn một cuộc khảo sát gần đây, quan chức phụ trách giáo dục của UNICEF tại Philippines là Isy Faingold cho biết, hơn 80% bậc phụ huynh ở Philippines lo lắng con cái họ không tiếp thu được nhiều trong giai đoạn học trực tuyến.
Khoảng 2/3 số phụ huynh học sinh ủng hộ mở cửa lại các lớp học ở những khu vực có tỷ lệ lây nhiễm thấp. “Học từ xa không thể thay thế học trực tiếp. Trước Covid-19, đã có một cuộc khủng hoảng giáo dục… Mọi việc sẽ tồi tệ hơn”, Faingold cho biết.
Theo Bộ trưởng Giáo dục Leonor Briones, thời gian học trực tiếp sẽ kéo dài từ 3-4 giờ mỗi buổi. Sĩ số lớp học được quy định là 12 học sinh ở lớp mẫu giáo, 16 học sinh ở khối lớp 1-3 và 20 học sinh đối với bậc trung học phổ thông. Khoảng 100 trường công lập và 20 cơ sở tư thục sẽ tham gia chương trình thí điểm của chính phủ.
Bộ trưởng Leonor Briones nói rằng thời gian thực hiện chương trình thử nghiệm sẽ được thực hiện sớm nhất có thể, song phụ thuộc vào việc chuẩn bị của các trường học. "Nếu có những thay đổi trong việc đánh giá rủi ro, thì chúng tôi sẽ ngăn chặn nó", bà Briones, nói trong một cuộc họp báo.
Theo bà Briones, số học sinh nhập học trong năm học mới năm nay đã tăng lên 28 triệu người, cao hơn con số 26 triệu học sinh vào năm ngoái./.