Covid-19: Thế giới ghi nhận hơn 12,6 triệu ca nhiễm, WHO lạc quan vẫn có thể kiểm soát dịch

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thế giới có hơn 12,6 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 561.904 người tử vong, tuy nhiên WHO lạc quan vẫn có thể kiểm soát được dịch Covid-19.

Theo cập nhật từ trang thống kê toàn cầu Worldometer, tính đến sáng ngày 11/7 đã có 12.608.532 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 và 561.904 người tử vong do bệnh này trên toàn cầu.
10 quốc gia đứng đầu thế giới về số bệnh nhân Covid-19 lần lượt như sau: (1) Mỹ, (2) Brazil, (3) Ấn Độ, (4) Nga, (5) Peru, (6) Chile, (7) Tây Ban Nha, (8) Liên hiệp Anh, (9) Mexico và (10) Iran.
Trong khi đó, về mặt số tử vong cao nhất thế giới do Covid-19, top 10 nước bao gồm: (1) Mỹ, (2) Brazil, (3) Liên hiệp Anh, (4)  Italy, (5) Mexico, (6) Pháp, (7) Tây Ban Nha, (8) Ấn Độ, (9) Iran và (10) Peru.
Mỹ hiện ghi nhận tổng cộng 3.285.676 ca mắc Covid-19.
Như vậy, có 8 quốc gia đồng thời xuất hiện trong cả 2 danh sách trên, đó là: Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Peru, Tây Ban Nha, Liên hiệp Anh, Mexico và Iran. Trong số này, có tới 4 nước châu Mỹ, chỉ có 2 nước châu Âu và 2 nước châu Á. Riêng Mỹ và Brazil vẫn tương ứng đứng vững ở vị trí số 1 và số 2 trong cả 2 danh sách đáng buồn này.
Mỹ - ổ dịch lớn nhất thế giới, hiện ghi nhận 3.285.676 ca mắc Covid-19 (tăng 65.677 ca trong vòng 24 giờ qua) và 136.570 ca tử vong do dịch bệnh này (tăng 748 trường hợp). 
WHO lạc quan về khả năng kiểm soát dịch Covid-19
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo con số kỷ lục trong báo cáo hàng ngày được đăng trên trang web hôm 10/7. Đây là lần thứ năm trong tháng này số ca nhiễm hàng ngày toàn cầu vượt 200.000. Ngày tăng ca nhiễm kỷ lục do WHO ghi nhận trước đó là 4/7, với 212.326 ca. Ca tử vong ổn định ở mức tăng 5.000 ca một ngày.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng vẫn có khả năng kiếm soát được dịch Covid-19.
Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến tại Geneva, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các mẫu bệnh phẩm từ Tây Ban Nha, Italia, Hàn Quốc hay ổ dịch lớn nhất của Ấn Độ đã chỉ ra mức độ nghiêm trọng khi dịch bệnh bùng phát nhưng cũng cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể được kiềm chế thông qua các biện pháp tích cực. 
Mỹ là nước tăng ca nhiễm nhiều nhất. Hôm 10/7, số ca nhiễm trong một ngày lần đầu tiên vượt 60.000, khi dịch bệnh tiếp tục lan rộng ở Florida, Texas, Arizona và các nơi khác. Các quốc gia khác cũng ghi nhận dịch tăng nhiệt là Brazil, Mexico, Ấn Độ và Nam Phi.
"Có rất nhiều việc phải làm, từ các quốc gia ghi nhận mức tăng ca nhiễm theo cấp số nhân cho đến những nơi đang nới lỏng các hạn chế và giờ đây chứng kiến ca nhiễm tăng trở lại", Tổng giám đốc Tedros nói trong cuộc họp báo ở Thụy Sĩ ngày 10/7.
Ông Tedros nhấn mạnh: "Các mẫu bệnh phẩm gửi về từ nhiều nơi trên thế giới cho thấy kể cả khi đại dịch đang bùng phát, vẫn có khả năng kiểm soát được. Các biện pháp mạnh như xét nghiệm, truy vết, cô lập và chữa trị với những người mắc bệnh là chìa khóa giúp phá vỡ chuỗi lây lan của virus SARS-CoV-2".  
Tổng giám đốc WHO thúc giục các nước tiếp tục có biện pháp mạnh tay để chống dịch, đồng thời. cho rằng có thể xoay chuyển tình hình hiện nay nếu triển khai các biện pháp mạnh cùng với sự đoàn kết của các quốc gia lẫn cộng đồng quốc tế. "Chỉ những hành động quyết liệt kết hợp với đoàn kết trong nước và toàn cầu mới có thể xoay chuyển được đại dịch này", ông Tedros nói.
Ấn Độ đóng cửa trở lại một số địa phương 
Ngày 10/7, Ấn Độ thông báo có 27.728 ca nhiễm Covid-19, đưa tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ lên gần 822.570, trở thành tâm dịch lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Brazil về số ca nhiễm. Trong bối cảnh đó, chính quyền New Dehli đã tái áp đặt các biện pháp đóng cửa tại bang đông dân nhất và một trung tâm công nghiệp, nơi đặt các công ty chế tạo ô tô, các công ty dược phẩm và các công ty bia rượu.
Covid-19: Thế giới ghi nhận hơn 12,6 triệu ca nhiễm, WHO lạc quan vẫn có thể kiểm soát dịch - Ảnh 3
Ấn Độ thông báo có 27.728 ca nhiễm Covid-19, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên gần 822.570.
Bộ Y tế Ấn Độ cũng cho biết có trên 21.000 người tử vong tại Ấn Độ kể từ ca nhiễm đầu tiên phát hiện hồi tháng 1 năm nay.
Thủ đô New Delhi, cùng với bang Maharashtra, nơi có thủ đô tài chính Mumbai và bang Tamil Nadu ở miền Nam chiếm khoảng 60% số ca nhiễm.
Do nóng lòng muốn khởi động nền kinh tế bị tê liệt do dịch bệnh và đưa hàng triệu người dân quay trở lại làm việc, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đầu tháng 6 vừa qua đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa với 1,3 tỉ dân được áp đặt hồi tháng 3. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh các ca nhiễm mới đã buộc một số bang và thành phố công nghiệp lớn tái áp đặt các biện pháp hạn chế.
Một lệnh giới nghiêm 9 ngày được áp đặt tại Aurangabad - TP công nghiệp ở Maharashtra, đã ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty chế tạo ô tô như Bajaj Auto.
Australia: Victoria báo cáo số ca nhiễm mới kỷ lục 
Ngày 10/7, bang Victoria của Australia - bang đông dân nhất nước này - thông báo ghi nhận số ca mắc Covid-19 theo ngày cao nhất từ trước đến nay, với 288 trường hợp nhiễm mới trong 24 giờ qua. 
Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews đã kêu gọi người dân ở các khu vực đô thị của thủ phủ Melbourne đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.
Chính quyền bang Victoria đã thông báo kể từ ngày 8/7 tái áp đặt phong tỏa trong 6 tuần đối với hơn 5 triệu dân tại thành phố Melbourne nhằm kiểm soát số ca mắc CovidD-19 đang tăng nhanh.
Trước tình hình bang Victoria chứng kiến số ca bệnh mới tăng đột biến, Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 10/7 tuyên bố nước này sẽ cắt giảm 50% số công dân ở nước ngoài được phép nước mỗi tuần. 
Kể từ tháng 3 vừa qua, Australia chỉ cho phép công dân nước này và người cư trú lâu dài trở về nước, nhưng Thủ tướng Morrison cho biết hiện chính phủ sẽ giới hạn trên toàn quốc số người được phép trở về. Theo ông Morrison, trong những tuần gần đây, mỗi tuần có khoảng 8.000 người trở về Australia. Tuy nhiên, từ ngày 13/7 tới, tối đa mỗi tuần chỉ có 4.000 người được về nước./.