Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CPI bình quân năm 2019 tăng thấp nhất 3 năm gần đây

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bình quân năm 2019, CPI tăng 2,79% so với cùng kỳ năm 2018 - mức tăng bình quân năm 2019 thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2019 tăng 1,4% so với tháng trước; tăng 5,23% so với tháng 12 năm 2018; CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79% so với cùng kỳ năm trước; CPI quý IV năm 2019 tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước.
 Ảnh minh họa
So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,42%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,25%; May mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,33%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,43%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; Giao thông tăng 0,61%; Giáo dục tăng 0,01%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%; Riêng nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,09%.
Đưa ra các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 12 năm 2019, Tổng cục Thống kê cho biết, do dịch tả lợn Châu Phi tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 19/12/2019, tổng số lợn tiêu hủy gần 6 triệu con với tổng trọng lượng 340,8 nghìn tấn chiếm khoảng 9% tổng trọng lượng lợn cả nước; sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,8% so với năm 2018, theo đó, nguồn cung thịt lợn giảm làm cho giá thịt lợn tháng 12/2019 tăng 19,7% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,83%.
Giá thực phẩm tăng làm cho nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 2,44% so với tháng trước làm CPI chung tăng khoảng 0,22%.
Cùng với đó, giá xăng, dầu điều chỉnh tăng ngày 30/11/2019 và giảm vào ngày 16/12/2019, bình quân tháng 12/2019 giá xăng dầu tăng 1,27% so với tháng trước làm CPI chung tăng khoảng 0,05%. Từ ngày 1/12/2019 giá gas trong nước điều chỉnh tăng 3.500 đồng/bình 12kg, tăng 1,03% so với tháng 11/2019 do giá gas thế giới tăng từ mức 437,5 USD/tấn lên mức 447,5 USD/tấn tăng 10 USD/tấn.
Bên cạnh các nguyên nhân tăng, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, còn có một số nguyên nhân kiềm chế CPI tháng 12/2019. Cụ thể, trong tháng 12, thời tiết ở các tỉnh phía Bắc chuyển lạnh nên nhu cầu tiêu dùng điện, nước giảm làm cho giá điện sinh hoạt giảm 0,18%, nước sinh hoạt giảm 0,12%. Một số loại rau và quả tươi đang vào vụ thu hoạch rộ, nguồn cung dồi dào nên giá giảm như: bắp cải giảm 5,22%, su hào giảm 8,69%; cà chua giảm 8,34%, các loại quả có múi giảm 2,15%, táo giảm 1,81%.
Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục), năm 2019 tăng 2,01% so với năm 2018.
Trong năm 2019, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá chủ yếu do việc tăng giá lương thực, thực phẩm, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục và xăng dầu. Mức lạm phát cơ bản năm 2019 phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.