Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CPI qua từng tháng tăng: Cảnh báo về lạm phát

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu năm trước, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân có xu hướng thấp xuống, thì năm nay sẽ có xu hướng ngược lại - sẽ cao lên. Đó là cảnh báo cần thiết cho hiện tượng chủ quan thỏa mãn về CPI bình quân 4 tháng qua.

 Mua hàng tại siêu thị V+. Ảnh: Bích Hời.
Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2018 tăng nhẹ 0,08% so với tháng trước nhưng nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì tăng đến 2,75%. Tính bình quân 4 tháng đầu năm 2018, CPI tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhìn lại năm 2017, CPI bình quân so với cùng kỳ năm trước trong những tháng đầu năm tăng khá cao, nhưng sau đó thấp xuống (tháng 1 tăng 5,22%, 2 tháng tăng 5,12%, 3 tháng tăng 4,96%, 4 tháng tăng 4,8%, và đến tháng 12 tháng - cũng tức là bình quân cả năm tăng 3,53%), thấp hơn rất nhiều so với bình quân 4 tháng đầu năm. Cũng nhờ tốc độ tăng CPI bình quân giảm xuống như trên nên bình quân cả năm 2017 CPI chỉ còn tăng 3,53%, thấp hơn mục tiêu tăng 4% theo Nghị quyết của Quốc hội.

Bước sang năm 2018, CPI bình quân so với cùng kỳ năm trước trong những tháng đầu năm tăng rất thấp, nhưng sau đó có xu hướng cao lên trong tháng 1 tăng 2,65%, 2 tháng tăng 2,9%, nhưng 3 tháng chỉ tăng 2,82%, 4 tháng chỉ tăng 2,8% - thấp hơn mục tiêu đề ra cho cả năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội (4%). Chính mức tăng thấp hơn mục tiêu đề ra cho cả năm 2018 trong 4 tháng đầu năm này sẽ rất dễ làm cho các chủ thể trên thị trường, nhất là các nhà quản lý điều hành chính sách vĩ mô phát sinh tâm lý chủ quan thỏa mãn khi cho rằng việc thực hiện mục tiêu cả năm 2018 sẽ khá dễ dàng.
 Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Tuy nhiên, điều đó sẽ không dễ dàng, vì hai nhóm yếu tố tác động
Nhóm yếu tố thứ nhất được nhìn nhận dưới góc độ về gốc so sánh - đó là tốc độ tăng CPI qua các tháng của cùng kỳ năm 2017. Tốc độ tăng CPI bình quân trong 4 tháng đầu năm 2017 khá cao nên tốc độ tăng CPI bình quân 4 tháng đầu năm nay thấp. Tốc độ tăng CPI bình quân 8 tháng cuối năm 2017 thấp - có nghĩa là số gốc so sánh của tốc độ tăng CPI bình quân trong 8 tháng còn lại của năm 2018 sẽ thấp, sẽ làm cho tốc độ tăng CPI bình quân trong 8 tháng cuối năm 2018 cao lên. Với giả thiết là đạt được mục tiêu tốc độ tăng CPI cả năm 2018 (4%), thì bình quân 8 tháng cuối năm 2018 sẽ được tăng 1,17%. Nếu 8 tháng cuối năm 2018 tăng 3,88% như 8 tháng cuối năm 2017, thì cả năm 2018 sẽ tăng cao hơn.

Nhóm yếu tố thứ hai là sự tác động trực tiếp của các yếu tố đối với CPI. Yếu tố tổng quát và cơ bản của lạm phát là quan hệ giữa sản xuất và sử dụng GDP, giữa tổng cung và tổng cầu. Trong quý I, tiêu dùng cuối cùng tăng sẽ đóng góp 5,04 điểm phần trăm vào tốc độ tăng GDP, tích lũy tài sản đóng góp 1,15 điểm phần trăm, xuất siêu đóng góp 1,19 điểm phần trăm. Trong 4 tháng đầu năm, xuất siêu hàng hóa đạt 3,93 tỷ USD, còn cao hơn mức xuất siêu của quý I (2,69 tỷ USD).

Yếu tố trực tiếp tác động đến lạm phát là yếu tố tiền tệ - tín dụng. Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán tăng cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (3,28% so với 2,88%). Tốc độ tăng của huy động vốn của các ngân hàng thương mại (2,2%) thấp hơn tốc độ tăng 2,43% của cùng kỳ năm trước và thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (2,81%). Điều đó chứng tỏ tiền từ ngân hàng thương mại ra lưu thông nhiều hơn tiền từ lưu thông trở lại ngân hàng thương mại.

Yếu tố chi phí đẩy tăng do giá nhập khẩu tăng lên và tăng cao hơn giá xuất khẩu; tỷ giá thương mại sau mấy năm mang dấu dương (tức là có lợi cho xuất khẩu hơn là nhập khẩu), thì 4 tháng năm nay mang dấu âm (tức là có lợi cho nhập khẩu hơn là xuất khẩu). Lãi suất đồng USD tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng...