CPI sẽ duy trì ở mức thấp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016 đã đi qua một quãng thời gian để có thể đưa ra những dự báo về tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - một trong những chỉ số quan trọng trong điều hành lạm phát.

Mặc dù CPI tháng 1/2016 không tăng nhưng nhiều chuyên gia nhận định, với việc hội nhập quốc tế tích cực khi 11 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và 4 FTA sắp được ký kết, CPI trong nước sẽ chịu nhiều tác động lớn hơn từ nền kinh tế thế giới.

Những tác động bên ngoài

Cùng với những dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khi đưa ra nhận định, GDP thế giới tăng 3,6%, lạm phát toàn cầu khoảng 1,2% vào năm 2016, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, kinh tế thế giới sẽ khó có cơ hội tăng vọt. Hai nền kinh tế lớn - Mỹ và Trung Quốc được dự báo theo những chiều hướng khác nhau: Kinh tế Mỹ đã có nhiều dấu hiệu tốt lên theo hướng ổn định, song chỉ đạt tăng trưởng trung bình ở mức 2,3 - 2,5%. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục giảm tốc. Ngoài ra, những khó khăn do xung đột địa chính trị ở khu vực Trung Đông, Ukraine và Biển Đông cũng có thể sẽ là các yếu tố tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nếu có tác động tới kinh tế Việt Nam và CPI cũng khó có những biến động lớn.
Quầy thanh toán tại Siêu thị Fivimart. 	Ảnh: Khắc Kiên
Quầy thanh toán tại Siêu thị Fivimart. Ảnh: Khắc Kiên
Giá dầu được dự báo ở mức thấp sẽ còn kéo dài đến năm 2018. Riêng năm 2016, có dự báo cho rằng giá dầu sẽ xuống dưới 30 USD/thùng. Thông tin này được khẳng định từ tuyên bố của một số nước có sản lượng dầu xuất khẩu lớn trên thị trường thế giới về việc tiếp tục giữ sản lượng khai thác như hiện nay hoặc tiếp tục tăng sản lượng mặc dù lượng cung đã khá cao. Đối với những nước mà ngân sách của Chính phủ chỉ dựa chủ yếu vào khai thác dầu thì mặc dù giá dầu có thấp đến đâu, họ vẫn phải bán dầu và bán với số lượng lớn để bù đắp giá. Điều này làm cho giá đầu vào của các ngành sản xuất ở Việt Nam giảm và là điều kiện để giảm giá bán nhiều loại hàng hóa.

Và những chuẩn bị

Năm 2015, để tăng trưởng GDP đạt 6,5% thì bội chi ngân sách Nhà nước trong khoảng trên dưới 5% GDP, chỉ số CPI cả năm khoảng 0,63%. Phân tích 3 con số này để thấy, hiệu quả nền kinh tế là vấn đề cần phải lưu ý đặc biệt. Vì chúng ta bỏ ra khoảng 5% GDP, chấp nhận tốc độ tăng nợ công tới gần 17% nhưng tăng trưởng của nền kinh tế chỉ đạt 6,5%. Như vậy, tốc độ tăng nợ công cao gấp gần 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu tính giá trị tuyệt đối thì đi vay 5 đồng mới tạo được 6,5 đồng giá trị tăng thêm.

Trong khi đó, chính sách tiền tệ của năm 2016 chắc chắn không có nhiều đột biến so với năm 2015. Mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách tiền tệ, song những khó khăn trong việc xử lý những tồn đọng trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là vấn đề xử lý nợ xấu vẫn rất chậm. Tỷ giá VND so với USD có thể tăng chút ít (đặc biệt là đồng Nhân dân tệ đã được công nhận là đồng tiền thanh toán quốc tế trong lúc Việt Nam đang trong tình trạng nhập siêu lớn với Trung Quốc và điều đó có thể gây áp lực tới việc tăng tỷ giá). Song, tỷ giá của VND không thể tăng nhiều do giảm thâm hụt ngân sách đang là mục tiêu đặt ra phải thực hiện ở nước ta trong năm 2016. Do vậy, những tác động từ chính sách tiền tệ tới CPI là không lớn trong năm 2016.

Chính sách tài khóa thắt chặt sẽ tiếp tục được duy trì. Thu ngân sách ngày càng khó khăn và chi ngân sách ngày càng gặp nhiều áp lực… Do vậy, Chính phủ không thể tăng chi ngân sách quá mức, ngược lại phải duy trì chính sách tài khóa thắt chặt để ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức vừa phải, hạn chế rủi ro cho nền kinh tế. Giá cả một số sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước cũng sẽ không có nhiều biến động lớn trong năm 2016.

Với những lý do trên đây, có thể dự báo CPI năm 2016 sẽ tiếp tục ở mức thấp, có thể dao động trong khoảng 1 - 2%. Mức lạm phát này có thể vẫn sẽ kéo dài trong một số năm nữa.