CPI tháng 1 tăng: Tín hiệu và cảnh báo

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 1 là tháng có Tết Dương lịch và cũng là tháng chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Mậu Tuất nên diễn biến của giá tiêu dùng (CPI) vừa là tín hiệu, vừa là cảnh báo cho tháng 2 - tháng trước và sau Tết cổ truyền.

Xu hướng khác với năm trước
Theo đó, CPI sau một tháng (tức là tháng 1/2018 so với tháng 12/2017) đã cao hơn tốc độ tăng 0,46% của cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do giá giao thông không còn giảm sâu (giảm 2,82%) như cùng kỳ năm ngoái, mà còn tăng lên (1,17%), hơn nữa còn tăng cao hơn cả của tháng 12/2017 (0,84%) và xu hướng cao lên này có thể sẽ còn tiếp tục trong năm 2018. Một nguyên nhân khác là giá nhà ở và vật liệu xây dựng (bao gồm tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng) tăng cao hơn của tháng 12/2017 và tháng 1/2017 (1,17% so với 0,22% và 0,3%). Đặc biệt, giá thực phẩm - mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất đã tăng 1,17%, mà không giảm sâu như cùng kỳ năm trước (-0,24%) và như tháng 12/2017 (-0,5%).
CPI sau một năm (tức là tháng 1 năm nay so với tháng 1 năm trước) đã tăng thấp hơn nhiều so với CPI tương ứng của cùng kỳ năm trước (tăng 2,65% so với tăng 5,22%). Những mặt hàng có tốc độ tăng giá sau một năm cao hơn tốc độ tăng chung có: Thuốc và dịch vụ y tế tăng 28,83%, giáo dục tăng 6,82%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,64%, giao thông tăng 3,94%, lương thực tăng 3,11%. Những mặt hàng có tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng chung có: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,93%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,65%; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,07%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,24%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,05%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,25%.
 Đặc biệt có một số mặt hàng giá giảm như hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,13%, bưu chính viễn thông giảm 0,41%. Tuy nhiên cần lưu ý đây là tốc độ tăng góp phần trực tiếp vào tốc độ tăng bình quân năm theo mục tiêu của năm nay (4%) và có xu hướng khác với năm trước. Tức là, nếu năm trước tốc độ tăng giá bình quân năm có xu hướng thấp xuống từ tháng 2 đến hết năm, thì năm nay lại có xu hướng cao lên từ tháng 2. Điều đó đòi hỏi phải có biện pháp kiểm soát từ tháng 2 đến cuối năm để tránh cả năm sẽ vượt mục tiêu đề ra.
Nhiều thách thức
Đó là diễn biến về con số, nhưng cần phải nhận diện các yếu tố tác động đến CPI của năm nay để có giải pháp chủ động kiểm soát lạm phát. Hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới năm nay có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua việc tăng lãi suất đồng tiền của họ. Mỹ dự kiến năm 2018 sẽ có 3 lần tăng lãi suất, nếu cùng với mức 0,25% mỗi lần, thì cả năm nay sẽ tăng thêm 0,75% và luỹ kế đến hết năm mức lãi suất sẽ ở mức gần 2%, tương đương với tốc độ tăng giá tiêu dùng (hiện ở dưới 2%). Các nước châu Âu và nhiều nước khác cũng có xu hướng tăng lãi suất.
Những sự điều chỉnh của thế giới cũng sẽ tác động đến giá vàng, tỷ giá, chứng khoán và giá hàng hoá xuất, nhập khẩu... và sẽ tác động đến giá cả ở trong nước. Một yếu tố quan trọng khác là chính sách thương mại, trong đó tác động của các Hiệp định Thương mại tự do song phương, đa phương, kể cả TPP11 (thậm chí TPP12 có cả Mỹ) sẽ giảm thiểu thuế suất thuế xuất nhập khẩu, không chỉ tác động đến xuất/nhập siêu tác động đến cung - cầu hàng hóa ở trong nước, mà còn tác động đến giá cả xuất/nhập khẩu, giá cả hàng hóa ở trong nước.
Một yếu tố nữa cần quan tâm là tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu năm 2018 thấp xuống (6,5 - 6,7% so với 6,81%), trong khi tổng cầu có xu hướng cao lên, nhất là tiêu dùng cuối cùng khi lương tiếp tục tăng vào giữa năm. Cũng cần quan tâm đến yếu tố tài chính, tiền tệ, khi tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP tăng lên, lãi suất giảm xuống, tỷ lệ giữa dư nợ tín dụng/GDP đã ở mức khá cao (vượt qua mức 120%) đến việc phục hồi của giá lương thực, thực phẩm, nhất là thực phẩm sau khi đã giảm sâu, giảm dài trong năm trước.
Ngoài ra cần chú ý, Tết Âm lịch năm nay đến muộn hơn nên nhu cầu tiêu dùng hàng hóa sẽ cao hơn các tháng khác. Sau Tết có nhiều lễ hội liên tiếp diễn ra, nhu cầu đi lại, du lịch tăng... Xu hướng “chơi Tết” tăng, “ăn Tết” tăng chậm lại.
Do đó, điều quan trọng về tư duy điều hành, cần tiếp tục “kiểm soát lạm phát theo mục tiêu” đã mang lại thành công trong 2 năm trước.