Tổng cục Thống kê nêu rõ, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 2 tăng 1,54% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,52 điểm phần trăm. Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, bình quân 2 tháng đầu năm 2022 giá gas tăng 18,64% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng 5,8% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm do ảnh hưởng của đợt tăng giá vào ngày 21/1, 11/2 và 21/2. Cùng với đó, giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 3,92% so với tháng trước, do một số đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai tăng giá phụ thu khi giá xăng dầu tăng và ảnh hưởng của dịch bệnh hạn chế chở số lượng khách.
Chỉ số giá nhiều nhóm hàng trong tháng 2/2022 đi lên đã khiến CPI bình quân 2 tháng tăng 1,68% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 0,67%.
Bên cạnh các yếu tố làm tăng CPI, cơ quan thống kê cũng nêu rõ một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 2 tháng đầu năm 2022. Theo đó, giá các mặt hàng thực phẩm 2 tháng đầu năm 2022 giảm 1,75% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,37 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 21,89%. Giá dịch vụ giáo dục giảm 4,36% do một số tỉnh, TP trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, làm CPI giảm 0,24 điểm phần trăm. Ngoài ra, giá thuê nhà ở giảm 16,36% so với cùng kỳ năm trước do nhiều hộ gia đình giảm giá hỗ trợ người thuê nhà trong tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm.
Cùng ngày, Cục Thống kê TP Hà Nội cho biết, CPI tháng 2/2022 trên địa bàn Hà Nội tăng 1,16% so với tháng trước, tăng 1,26% so với tháng 12/2021 và tăng 2,06% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2022 tăng 2,39% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, nhóm giao thông tăng 2,17% so với tháng trước (tác động làm tăng CPI chung 0,21%) chủ yếu do giá xăng, dầu điều chỉnh tăng lần thứ 3 liên tiếp từ đầu năm 2022 đến nay (xăng tăng 8,1%; dầu diezen tăng 7,3%). Tiếp theo là nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống tăng 2,02% (tác động làm tăng CPI chung 0,63%) do nhu cầu tiêu thụ của người dân trong dịp Tết tăng cao (trong đó, ăn uống ngoài gia đình tăng 3,28%; thực phẩm tăng 1,74%; lương thực tăng 0,66%).
Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,12% (tác động làm tăng CPI chung 0,23%) do ảnh hưởng của giá gas và dầu thế giới trong tháng tăng cao (gas tăng 3,39%; dầu tăng 8,39%). Các nhóm còn lại có chỉ số CPI tăng nhẹ: Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,15%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,06%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; bưu chính viễn thông tăng 0,02%; giáo dục tăng 0,01%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,09%.