CPI tháng 2 có thể tăng cao

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giá cả nhiều mặt hàng tăng mạnh trước Tết Nguyên đán nhưng sang những ngày đầu năm cơ bản đứng ở mức giá ngày 30 Tết. Cá biệt, giá một số mặt hàng ở một số địa phương có tăng nhẹ...

KTĐT - Giá cả nhiều mặt hàng tăng mạnh trước Tết Nguyên đán nhưng sang những ngày đầu năm cơ bản đứng ở mức giá ngày 30 Tết. Cá biệt, giá một số mặt hàng ở một số địa phương có tăng nhẹ...

Thông tin trên được rút ra từ báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình giá cả thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Mão 2011. Với diễn biến này, có thể cho rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đứng trước khả năng sẽ tăng khá cao trong tháng 2.

Nhìn lại diễn biến chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 các năm từ 2002 - 2010, biên độ dao động là khá lớn, từ mức 1,17% của năm thấp nhất 2009 đến cao nhất 3,56% của năm 2008. Tuy nhiên, các mức tăng quanh mốc 2% chiếm đa số.

Một tham khảo là dự báo trước đó của Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính). Cơ quan này cho rằng chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2011 có thể tăng ở mức 1,8-2%, và khẳng định CPI tháng 2 sẽ không có đột biến.

Lưu ý khác là CPI tháng 2 này được so sánh với tháng trước đó, cũng đã tăng 1,74% và là mức khá cao trong những năm gần đây. Có thể những động thái tích trữ hàng hóa trước dịp Tết giúp phần nào hạ nhiệt tiêu dùng tháng này?

Trở lại với báo cáo của Bộ Tài chính, các nguyên nhân ảnh hưởng đến giá tiêu dùng tháng Tết cũng được cơ quan này đề cập. Cung hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, giá một số đầu vào cơ bản của sản xuất và đời sống như xăng dầu, điện, than... được giữ ổn định đã tạo điều kiện kìm giữ giá cả trong giai đoạn Tết Tân Mão.

Tuy nhiên, sức mua có khả năng thanh toán tăng mạnh trước Tết, tác động từ tăng giá thế giới, cùng với diễn biến thời tiết khắc nghiệt ở phía Bắc ảnh hưởng nguồn cung làm cho giá cả nhiều mặt hàng tăng mạnh, báo cáo lưu ý.

Cụ thể, sức mua dịp Tết Tân Mão 2011 tăng khoảng 20% - 25% so với cùng kỳ Tết năm trước. Theo Bộ Tài chính, lượng kiều hối về nhiều giai đoạn trước đó góp phấn làm tăng khả năng chi tiêu của người dân.

Ngoài ra, tiền thưởng Tết của khu vực các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cao hơn năm trước cũng góp thêm vào sức mua chung dịp này. Binh quân doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là 3,55 triệu đồng/người, tăng 37,5% so với năm 2009; khu vực doanh nghiệp FDI là 2,89 triệu đồng/người, tăng 29,9% so với năm 2009…

Phản ánh vào thị trường, tại các siêu thị dịp Tết vừa qua, sức mua tăng khoảng 3-4 lần bình thường, nhiều siêu thị trở nên quá tải. Nhu cầu mua sắm ở các chợ dân sinh cũng diễn ra tấp nập, theo đó giá cả hàng hoá trên thị trường ở các chợ dân sinh cũng có những biến động tăng theo sức ép của nhu cầu tiêu dùng.

Ngược lại, thời tiết khắc nghiệt, rét đậm, rét hại kéo dài ở các tỉnh miền Bắc làm chết khoảng 50.500 con trâu, bò, ngựa, dê, ước thiệt hại hơn 130 tỷ đồng; sản lượng rau, củ, quả giảm mạnh; hoa, cây cảnh bị ảnh hưởng lớn đã tác động làm suy giảm nguồn cung.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay, nếu so sánh giá hàng hoá những ngày cận Tết (28, 29 tháng Chạp) với khoảng trước Tết Ông Công, Ông Táo ở các chợ dân sinh thì giá các loại rau, củ, quả ở thị trường các tỉnh phía Bắc tăng khoảng 20%- 40% tuỳ loại; ở thị trường các tỉnh phía Nam tăng khoảng 5%- 10%. Giá các loại thực phẩm như thịt lợn mông sấn, thịt bò đùi, gà mái ta sống, cá thu, giò lụa, giò bò, gạo nếp... cũng tăng khá cao, có loại tăng 50% so với bình thường.

Giá một số dịch vụ cũng tăng khá cao như dịch vụ rửa xe máy tăng gấp 2-3 lần, dịch vụ rửa xe ô tô tăng 3-4 lần ngày thường… giá dịch vụ trông giữ xe máy, xe đạp ở các bãi giữ xe tự phát tăng 2-3 lần; cước vận tải hành khách bằng phương tiện ô tô được nhiều tỉnh, thành phố thực hiện phụ thu thêm từ 40%-60% giá vé chiều đông khách để bù cho chiều ngược lại không có khách. Ngành Đường sắt áp dụng giá vé ngồi ghế phụ bằng 80% giá vé ngồi chính...

Thị trường những ngày đầu năm cơ bản đứng ở mức giá ngày 30 Tết. Tại hệ thống chợ dân sinh ở Hà Nội và Tp.HCM, giá thịt lợn, thịt bò, thịt gà tăng nhẹ khoảng 5% so với giá ngày 30 Tết, nhưng ở Bình Định, Tiền Giang, Nghệ An và một số tỉnh khác cơ bản bình ổn như giá trong Tết.

Giá một số loại cá ở Hà Nội giảm khoảng 5%, nhưng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long lại tăng khoảng 5%. Giá các loại rau, củ, quả ở Hà Nội và nhiều tỉnh vẫn giữ như mức giá trước Tết, riêng Tp.HCM nhích nhẹ lên khoảng 5%...


Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần