Như vậy, CPI tháng 4 tiếp tục tăng so với các tháng liền trước và tăng cao hơn cùng kỳ 3 năm trước. Nếu tính theo năm như thông lệ quốc tế, tức là tháng 4/2015 so với cùng kỳ năm trước, thì CPI tăng 0,99%, thấp nhất tính từ năm 2002 đến nay.
Áp lực lên tăng trưởng
Ở chiều thứ nhất là CPI cả năm 2015 sẽ tiếp tục tăng thấp theo chiều hướng của 3 năm trước (năm 2012 tăng 6,81%, năm 2013 tăng 6,04%, năm 2014 tăng 1,84%) và thấp hơn mục tiêu đề ra (5%), thấp hơn tốc độ tăng của nhiều nước trên thế giới. Việc tiếp tục tăng thấp của CPI do tác động của nhiều yếu tố. Cung hàng hóa tăng lên do tăng trưởng kinh tế cao hơn (6,03% so với 5,06%); do cán cân thương mại chuyển từ xuất siêu (trong quý I năm trước là 1.142 triệu USD) sang nhập siêu trong quý I năm nay (2.399 triệu USD). Trong khi giá nhập khẩu giảm (giảm 2,61% so với quý I/2014 và giảm 3,73% so với quý IV/2014). Tăng trưởng tín dụng quý I năm nay không còn mang dấu âm như cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn còn thấp hơn tốc độ tăng trưởng số dư tiền gửi và một phần quan trọng của phần tăng lên đó đã được “lái” nhiều vào thị trường bất động sản, mà chưa được trực tiếp đưa nhiều vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh (SXKD) và tiêu dùng, trong khi số DN tiếp tục tạm ngừng hoạt động nhiều với tốc độ tăng cao (16.175 DN, tăng 14,2%). Việc tiếp tục tăng thấp của CPI đáp ứng sự mong đợi của người tiêu dùng, nhất là những người nghèo, cận nghèo, những người gặp rủi ro, những người bị thất nghiệp, thiếu việc làm ở những DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động...
Tuy nhiên, đối với người đầu tư, SXKD, nhất là ở khu vực kinh tế trong nước vay vốn (hiện lãi suất vẫn còn khá cao) SXKD, nhưng sản phẩm làm ra nếu tiêu thụ trong nước thì giá tăng thấp, nếu xuất khẩu thì giá trị giảm. Ngay tổng cầu tuy đã tăng cao lên, nhưng về quy mô thì vẫn còn thấp hơn tổng cung; nếu việc thực hiện lộ trình giá thị trường với liều lượng lớn, dồn dập... thì càng làm cho tổng cầu bị yếu đi tuy không gây áp lực đối với giá cả, nhưng lại tiếp tục tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế vì những lẽ đó khó cao lên được..
“Cộng hưởng” của nhiều yếu tố
Yếu tố quan trọng là tổng cầu có dấu hiệu tăng mạnh trở lại (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nếu tính theo giá thực tế đã tăng 10%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% - cao hơn nhiều tốc độ tăng 5,1% của cùng kỳ năm trước. Tiền lương hưu, tiền lương của công chức có hệ số thấp dưới 2,34 từ ngày 1/1 được truy lĩnh từ đầu tháng 4 cũng sẽ góp phần làm tăng sức mua có khả năng thanh toán, làm tăng tổng cầu. Tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của quý I năm nay (9,1%) đã cao hơn tốc độ tăng tương ứng của quý I cùng kỳ mấy năm trước. Tỷ giá VND/USD từ đầu năm đến nay đã mấy lần gây sóng và tính bình quân quý I năm nay so với cùng kỳ năm trước đã tăng cao gần gấp đôi tốc độ tăng tương ứng của CPI (1,26% so với 0,74%). Việc tăng giá xăng dầu vào ngày 11/3 và tăng giá điện vào ngày 16/3 vừa làm tăng trực tiếp, vừa gián tiếp làm tăng giá tiêu dùng thông qua giá đầu vào của nhiều loại hàng hóa khác. Nếu tới đây mà điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục thì lực cộng hưởng sẽ lớn hơn. Lãi suất tiết kiệm giảm xuống; thị trường chứng khoán giảm; một lượng tiền không nhỏ đang chuyển dồn vào thị trường bất động sản... tạo ra tâm lý kỳ vọng lạm phát...
Tổng hòa 2 chiều hướng tuy ngược nhau, nhưng đã cảnh báo về khả năng lạm phát cao lên không thể coi thường, đồng thời cũng cảnh báo về tác động tiêu cực đến đầu tư, SXKD, đến tăng trưởng kinh tế.
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị Fivimart. Ảnh: Hoài Nam
|