TP Hồ Chí Minh:

CSGT sẽ bị xử lý nếu dùng một ống thổi nồng độ cồn cho nhiều người

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 14/12, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Họp báo với sự chủ trì của Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Ngọc Hồi, để thông tin tình hình mọi mặt kinh tế - xã hội của TP.

Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hồi chủ trì buổi Họp báo chiều 14/12.
Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Hồi chủ trì buổi Họp báo chiều 14/12.

Tại buổi họp, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh đã trả lời nhiều câu hỏi về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Đối với câu hỏi Công an TP có cảnh báo gì về sự xuất hiện của các hội, nhóm trên mạng xã hội (MXH) với tên gọi như: “Hội bùng nợ”, “Hội vỡ nợ làm liều”…, thực tế đã có không ít vụ cướp đối tượng gây án khai quen qua các hội, nhóm rồi rủ nhau đi cướp?

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, hiện nay tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao trên thế giới và Việt Nam diễn biến phức tạp, các đối tượng lợi dụng không gian mạng để liên lạc, trao đổi, bàn bạc và thực hiện hành vi phạm tội.

Trong đó có các hội, nhóm kín trên mạng (Zalo, Telegram, Facebock…) với mục đích tìm cách trốn nợ, vay nợ, bùng nợ…, hoặc bàn bạc thực hiện hành vi phạm tội liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”, cướp tài sản, tội phạm cờ bạc, ma túy hay các hình thức tệ nạn xã hội khác… Đây là hành vi hết sức nguy hiểm, do đây là môi trường dễ dàng tập hợp nhiều đối tượng đang rơi vào khó khăn, túng quẫn nhưng lười lao động và có xu hướng hình thành tư tưởng phạm tội và băng nhóm tội phạm. Thậm chí, một số đối tượng có hành vi tán phát các bài viết để hướng dẫn thực hiện hành vi phạm tội hoặc lôi kéo, bàn bạc cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội.

Hiện nay các dịch vụ MXH, đặc biệt là các nền tảng phổ biến có nhiều người dùng tại Việt Nam như: Facebook, Telegram…, do các tập đoàn, công ty cung ứng dịch vụ xuyên biên giới còn buông lỏng kiểm duyệt, quản lý nội dung, tài khoản MXH nên các đối tượng có điều kiện thành lập các hội nhóm có tính chất vi phạm pháp luật trên MXH.

Tuy nhiên, Bộ Công an và Công an TP đã chủ động nắm và dự báo tình hình, từ đó đề ra nhiều nhóm giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn và điều tra khám phá các vụ án kịp thời, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn TP. Đối với gia đình, nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp cần quan tâm quản lý con em, học sinh, nhân viên tham gia các hội nhóm tiêu cực trên MXH để kịp thời ngăn chặn các hành vi phạm tội xảy ra.

Để ngăn chặn tội phạm phát sinh từ các hội, nhóm kín trên MXH, Công an TP Hồ Chí Minh thực hiện một số giải pháp, như: phối hợp Sở TT&TT kiến nghị Bộ TT&TT yêu cầu các công ty cung ứng dịch vụ MXH nâng cao trách nhiệm quản lý nội dung, kịp thời gỡ bỏ các hội, nhóm, tài khoản, trang MXH có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để tổ chức đấu tranh với các loại tội phạm. Tăng cường công tác đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các hành vi hướng dẫn người khác phạm tội trên MXH; hành vi lợi dụng không gian mạng lôi kéo, tập hợp băng nhóm tội phạm.

Lực lượng CSGT thực hiện chốt chặn để kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển các phương tiện giao thông. Ảnh: Tân Tiến.
Lực lượng CSGT thực hiện chốt chặn để kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển các phương tiện giao thông. Ảnh: Tân Tiến.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, phòng chống tội phạm, trong đó chú trọng nội dung cảnh báo, khuyến cáo hành vi tạo lập hoặc tham gia các hội, nhóm có tính chất, xu hướng tội phạm là hành vi vi phạm pháp luật để người dân chủ động nhận biết.

Tại buổi họp báo, thượng tá Lê Mạnh Hà cũng thông tin về quy trình lực lượng CSGT Công an TP kiểm tra nồng độ cồn, vì trước đó có dư luận cho rằng khi kiểm tra nồng độ cồn, CSGT chỉ dùng một ống thổi cho nhiều người.

Theo thượng tá Hà, Công an TP Hồ Chí Minh đã có quy định khi thực hiện công tác kiểm tra nồng độ cồn, nếu đơn vị, cá nhân nào của Công an TP chưa thực hiện đúng quy định, các cá nhân có thể phản ánh cụ thể về Công an TP để kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý.

Hiện nay công tác kiểm tra nồng độ cồn của CSGT Công an TP tiến hành theo phương pháp kiểm tra định tính (dùng phễu để xác định người điều kiển phương tiện có nồng độ cồng trong hơi thở hay không). Khi dừng, kiểm tra phương tiện thổi một hơi thở định tính (tốn khoảng 3-5 giây), nếu không phát hiện nồng độ cồn, người điều khiển phương tiện tiếp tục hành trình tham gia giao thông.

“Trong trường hợp phát hiện vi phạm, lực lượng CSGT sẽ yêu cầu người vi phạm đưa phương tiện vào khu vực xử lý. Tại đây, CSGT dùng máy đo định lượng (máy dùng ống thổi, máy lúc này là dùng mỗi người 1 ống thổi riêng biệt. CSGT sẽ lấy, bóc ống thổi trong túi nylon hoặc để người vi phạm tự tay bóc ống thổi ra và cắm vào máy để thổi) nhằm xác định mức độ vi phạm và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định. Nếu người dân phát hiện lực lượng CSGT không thay ống thổi mới (bước kiểm tra định lượng) thì yêu cầu thay ống thổi khác”, thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết.