Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

CSGT toàn quốc tăng cường xử lý học sinh vi phạm luật giao thông

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/10 tới đây, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ đồng loạt ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với lứa tuổi học sinh. Tại Hà Nội, công tác xử lý, tuyên truyền đối với thanh, thiếu niên, học sinh sẽ diễn ra xuyên suốt cả năm học.

Cao điểm xử lý vi phạm

Theo đánh giá, thời gian qua, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về TTATGT có nhiều diễn biến phức tạp, gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục CSGT vừa ban hành kế hoạch cao điểm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh.

Thời gian qua, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về TTATGT có nhiều diễn biến phức tạp.
Thời gian qua, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về TTATGT có nhiều diễn biến phức tạp.

Kế hoạch yêu cầu lực lượng CSGT toàn quốc tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về TTATGT đối với lứa tuổi học sinh THCS, THPT; phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho các em học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; các chủ phương tiện và phụ huynh chở học sinh vi phạm các quy định về vận tải đường bộ, đường thuỷ nội địa, đường sắt.

Việc kiểm tra, xử lý vi phạm được thực hiện triệt để và duy trì thường xuyên, liên tục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của phụ huynh và các em học sinh, bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương của pháp luật và kéo giảm các vụ TNGT xảy ra đối với các em học sinh.

Trên lĩnh vực đường bộ, tại các tuyến giao thông chính trong đô thị, tuyến đường liên thôn, liên xã, đường huyện, tỉnh, các tuyến quốc lộ; địa bàn gần khu trường học, khu vực có nhiều thanh, thiếu niên tụ tập vi phạm TTATGT, CSGT tập trung vào các hành vi vi phạm như: điều khiển xe không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông; chạy dàn hàng ngang; đi ngược chiều; bấm còi, rú ga; điều khiển xe chạy một bánh trên xe hai bánh; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; lạch lách, đánh võng; tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép; giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện để điều khiển; các trường hợp học sinh, phụ huynh vi phạm dừng, đỗ xe sai quy định dưới lòng đường, trên hè phố, khu vực đường ngang gây ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông; kiên quyết không cho các phương tiện không bảo đảm an toàn dùng để vận chuyển, đưa đón học sinh…

CSGT Hà Nội xử lý học sinh vi phạm các quy định về an toàn giao thông.
CSGT Hà Nội xử lý học sinh vi phạm các quy định về an toàn giao thông.

Trên lĩnh vực đường sắt, tuần tra kiểm soát tại các điểm đường sắt giao nhau với đường bộ, khu vực trường học gần với đường sắt, các điểm vui chơi, giải trí gần với đường sắt. Tập trung xử lý các hành vi vi phạm như: vi phạm quy định về hành lang an toàn giao thông đường sắt, không chấp hành tín hiệu đèn ở đường ngang có lắp đặt đèn cảnh báo…

Trên lĩnh vực đường thuỷ nội địa tuần tra kiểm soát khu vực bến cảng, bến thuỷ, tuyến đường thuỷ thường xuyên chở học sinh đi học… Tập trung vào các hành vi  vi phạm: đón trả khách không đúng quy định, chở quá số người, không trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn (áo phao, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm cho học sinh), đưa phương tiện không đủ điều kiện vào hoạt động đưa đón học sinh, giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển; không mặc áo phao khi tham gia giao thông trên đường thuỷ; thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn…

Thời gian thực hiện cao điểm sẽ diễn ra từ ngày 1/10 đến hết ngày 31/10.

Xử lý, tuyên truyền xuyên suốt năm học

Tại Hà Nội, trước tình trạng học sinh vi phạm giao thông cũng diễn ra khá phổ biến. Từ đầu năm học đến nay, Phòng CSGT (Công an thành phố Hà Nội) đã và đang chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho các em học sinh. Đồng thời, tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng Phòng CSGT (Công an thành phố Hà Nội), cho biết, thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về "tăng cường công tác bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới", Phòng CSGT đã và đang chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục, gia đình phụ huynh trong công tác quản lý, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho các em học sinh.

Từ ngày 5/9 đến nay, Phòng CSGT Hà Nội đã phối hợp với Công an cơ sở, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố tổ chức 18 buổi học ngoại khóa, tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho gần 23.000 học sinh.
Từ ngày 5/9 đến nay, Phòng CSGT Hà Nội đã phối hợp với Công an cơ sở, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố tổ chức 18 buổi học ngoại khóa, tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho gần 23.000 học sinh.

"Nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh, Phòng CSGT sẽ bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, và xử lý nghiêm những trường hợp học sinh, sinh viên, phụ huynh điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về TTATGT. Từ đó, phòng ngừa tai nạn giao thông, góp phần hình thành ý thức chấp hành pháp luật cho các em khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Công tác này sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục các ngày trong tuần và xuyên suốt năm học" - Đại tá Trần Đình Nghĩa nhấn mạnh.

Từ ngày 5/9 đến nay, Phòng CSGT Hà Nội đã phối hợp với Công an cơ sở, các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố tổ chức 18 buổi học ngoại khóa, tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho gần 23.000 học sinh các cấp và hàng nghìn giáo viên.

Qua công tác tuần tra, kiểm soát đã phát hiện, xử lý 785 trường hợp học sinh vi phạm, tạm giữ 427 phương tiện các loại, phạt tiền khoảng 400 triệu đồng. Các vi phạm điển hình là không đội mũ bảo hiểm, chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện và giao xe cho người chưa đủ điệu kiện… Trong đó, 10 Tổ công tác đặc biệt xử lý 425 trường hợp học sinh vi phạm TTATGT, tạm giữ 161 phương tiện, riêng vi phạm về đội mũ bảo hiểm 352 trường hợp. Lực lượng CSGT Thủ đô sẽ tập hợp danh sách học sinh vi phạm cụ thể của từng trường trên địa bàn TP Hà Nội để gửi Sở GD - ĐT, cùng chung tay tuyên truyền và có biện pháp ngăn chặn.

Để xử lý tận gốc tình trạng học sinh, không chấp hành đầy đủ quy định về trật tự an toàn giao thông…, lực lượng CSGT Hà Nội cũng tuyên truyền, xử lý vi phạm đối với phụ huynh giao xe cho con em mình tham gia giao thông. Từ đó, mỗi gia đình, mỗi phụ huynh nhận thức việc giao xe phân khối lớn cho con điều khiển khi chưa đến tuổi là phạm pháp, gây ảnh hưởng tới xã hội và chính người điều khiển phương tiện.