Cú hích chiến lược

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài 2 ngày tới Ai Cập.

Với một chương trình nghị sự dày đặc, chuyến công du lịch sử này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích nhằm thúc đẩy quan hệ song phương nhiều mặt giữa 2 nước thông qua các thỏa thuận hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực trị giá hàng tỷ USD sẽ được ký kết.

 
Tổng thống Nga Putin (phải) và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi.	 (Nguồn: Reuters)
Tổng thống Nga Putin (phải) và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fatah al-Sisi. (Nguồn: Reuters)
Tại cuộc hội đàm cấp cao, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp chủ nhà Abdel Fatah al-Sisi đã thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ song phương, bàn thảo về các hồ sơ nóng trong khu vực như tình hình tại Syria, Libya và triển vọng tái khởi động tiến trình hòa bình giữa Palestine và Israel. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư cũng là một trọng tâm của hội đàm, trong đó, hai bên dành nhiều thời gian thảo luận về việc Nga giúp Ai Cập xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vốn bị trì hoãn từ lâu và cải tạo hàng chục cơ sở công nghiệp có từ thời Liên Xô trước đây. Ngoài ra, hai bên cũng bàn thảo về kế hoạch Nga tham gia xây dựng một khu công nghiệp trong khuôn khổ Dự án phát triển hành lang Kênh đào Suez và dự án thành lập khu vực thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Âu – Á và Ai Cập.

 Việc lần đầu tiên Tổng thống Putin trở lại đất nước các Kim tự tháp sau chuyến thăm cách đây gần một thập kỷ cho thấy, Cairo sẽ là một trọng tâm chiến lược ngoại giao của Moscow trong thời gian tới. Ai Cập được nhận định là cánh cửa giúp Nga khôi phục vị thế và ảnh hưởng trước đây trong thế giới Ả Rập trong lúc Mỹ và các nước phương Tây tập trung ưu tiên cho hồ sơ Ukraine. Không những vậy, trong bối cảnh kinh tế Nga đang lâm vào tình thế khó khăn do các lệnh trừng phạt của phương Tây, Ai Cập - đất nước đông dân nhất thế giới Ả Rập là thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm của Nga. Ai Cập cũng là một trong những khách hàng mua vũ khí đầy tiềm năng của Nga dù tiềm lực tài chính còn eo hẹp. Hiện đang quan tâm đến các hệ thống phòng không, các loại vũ khí chính xác, tên lửa hành trình tấn công và máy bay chiến đấu của Nga nên cuộc hội đàm của hai nhà lãnh đạo đã tập trung bàn bạc về thỏa thuận mua bán vũ khí lên tới hơn 2 tỷ USD. Đặc biệt, việc Cairo mong muốn tăng cường xuất khẩu nông sản sang Moscow sẽ giúp Nga thoát khỏi tình cảnh thiếu thốn các mặt hàng lương thực, thực phẩm đã bị một số nước Liên minh châu Âu ngừng xuất khẩu.

Sự xích lại gần nhau giữa Cairo và Moscow không chỉ xuất phát từ lợi ích kinh tế, quân sự thiết thực của hai nước mà còn chuyển tải rất nhiều thông điệp tới phương Tây. Nỗ lực khôi phục quan hệ hợp tác truyền thống với Nga phản ánh chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế mà Tổng thống al-Sisi theo đuổi. Trong khi đó chuyến thăm của ông Putin là thông điệp cảnh báo rằng, nếu không cẩn thận, phương Tây sẽ để mất sân sau tại Bắc Phi bởi Cairo là một cánh cửa mà Nga hoàn toàn có thể tận dụng để tăng cường sự hiện diện tại thế giới Ả Rập.