Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cú hích cho làng nghề mây tre đan xã Vạn Phúc

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Gắn bó với đời sống từ nhiều năm nay, trải qua thăng trầm, làng nghề mây tre đan xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì vẫn không ngừng phát triển, vươn lên. Hiện, làng nghề đang được thẩm định để xét công nhận danh hiệu “Làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống Hà Nội” năm 2023.

Làng nghề mây tre đan xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì ra đời từ những năm 1990, đến nay ngày càng phát triển.  
Làng nghề mây tre đan xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì ra đời từ những năm 1990, đến nay ngày càng phát triển.  

Không ngừng cải thiện mẫu mã, chất lượng

Trước đây, người dân thôn 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì sinh sống chủ yếu bằng nghề làm nông nghiệp. Trải qua quá trình phát triển, đến nay trên địa bàn thôn, đa số người dân đã chuyển dịch sang các nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản như: Cơ khí, mộc, xây dựng... Đặc biệt, trên địa bàn còn có nghề mây tre đan. Hiện, sản phẩm mây tre đan của làng được cung cấp ra khắp các thị trường trong và ngoài nước.

Những người làm nghề lâu năm trong thôn cho biết, nghề mây tre đan được Nhân dân thôn 3 sản xuất từ những năm 1990, do trong làng có một số người đi học nghề mây tre đan ở các làng nghề lân cận như Ninh Sở (huyện Thường Tín), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ)…, sau đó trở về thôn làm nghề, truyền dạy cho mọi người. Từ khi hình thành nghề mây tre đan, các hộ làm nghề chủ yếu làm ra những đồ thủ công mây tre đơn giản nhằm phục vụ đời sống hàng ngày của Nhân dân như: Rổ, rá, nong, nia, thúng, mẹt, bàn, ghế…

Sau này, các sản phẩm được nâng cấp trở thành đồ mỹ nghệ xuất khẩu đi các nước Đài Loan, Nhật Bản... như: Làn, giỏ mây; giỏ đựng trái cây, đựng kim chỉ; giỏ đựng quần áo và vật dụng cá nhân. Trong đó, xuất hiện những hộ gia đình sản xuất lớn như hộ Nguyễn Thị Lịch, Nguyễn Thị Thành, Lã Văn Chiến, Nguyễn Thị Thảo, Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Thị Là, Nguyễn Thị Minh, Chử Văn Du…

Đặc biệt, làng nghề đã thành lập HTX kinh doanh dịch vụ tổng hợp Thanh Lịch, chuyên thu mua các sản phẩm gia công của các hộ sản xuất trong làng nghề để cung cấp cho khách hàng trong và  nước ngoài.

Nghề mây tre đan không chỉ đem lại thu nhập cho người dân mà còn tận dụng được thời gian nhàn rỗi của lao động ở các lứa tuổi.
Nghề mây tre đan không chỉ đem lại thu nhập cho người dân mà còn tận dụng được thời gian nhàn rỗi của lao động ở các lứa tuổi.

Theo Trưởng thôn 3, xã Vạn Phúc Lã Văn Dũng, hiện toàn thôn có 1.811 hộ với 7.208 nhân khẩu, số người trong độ tuổi lao động là 3.200 lao động. Số hộ làm nghề 435/1.811 hộ, chiếm 24% tổng số hộ trong làng, số lao động tham gia làm nghề là 750 lao động.

Quá trình phát triển, sản phẩm mây tre đan thôn 3, xã Vạn Phúc ngày càng cải thiện về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, chủng loại với nhiều chi tiết độc đáo, mới lạ, tinh xảo, góp phần giải quyết việc làm cho người dân, nhất là vào dịp nông nhàn và mang lại nguồn thu nhập ổn định, đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cho địa phương.

Hiện nay, các cơ sở sản xuất trong làng cũng đã áp dụng các phương thức bán hàng ngày một đa dạng hơn, ngoài việc bán hàng theo hình thức truyền thống, người dân làng nghề đã phát triển bán hàng qua mạng internet như Zalo, Facebook, sàn thương mại điện tử.

Quan tâm, hỗ trợ để phát triển bền vững

Thời gian qua, nhằm phát huy ngành nghề cho lao động nông thôn, giúp người dân nâng cao tay nghề, kỹ thuật để tăng thu nhập trong quá trình làm nghề, UBND TP và huyện Thanh Trì đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng. 
Sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng. 

Năm 2018 và 2019, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đã tổ chức đào tạo, nâng cao tay nghề cho 70 lao động của thôn và của địa phương khác, hướng dẫn các hộ kỹ thuật làm ra nhiều sản phẩm với mẫu mã đa dạng hơn.

Nhờ có sự quan tâm của các cấp, ngành, số hộ tham gia hoạt động mây tre đan tại thôn 3, xã Vạn Phúc đã tăng từ 20% (năm 2021) lên 24% (năm 2023), tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Thu nhập bình quân/lao động hàng năm đều tăng: Năm 2021 là 2,5 triệu đồng/người/tháng, năm 2023 là 4,4  triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường cũng ngày càng được quan tâm. Làng nghề đã được phê duyệt Phương án bảo vệ môi trường tại Quyết định số 4657/QĐ-UBND ngày 25/9/2023 của UBND huyện Thanh Trì. Hiện nay, làng nghề đã thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường theo Quyết định số 166/QĐ-UBND ngày 16/8/2023 của UBND xã Vạn Phúc với 8 thành viên, trong đó lực lượng phụ nữ và thanh niên là xung kích. Với nhiều biện pháp được áp dụng, công tác vệ sinh môi trường của thôn cơ bản được đảm bảo.

Ngày 6/10/2023, Đoàn thẩm định của UBND TP Hà Nội do đồng chí Đỗ Huy Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại xã Vạn Phúc để thẩm định xét công nhận danh hiệu “Làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống Hà Nội” năm 2023 đối với làng sản xuất mây tre đan thôn 3.

Đoàn thẩm định của TP Hà Nội đang thẩm định sản phẩm xét công nhận danh hiệu “Làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống Hà Nội” năm 2023 đối với làng nghề mây tre đan thôn 3, xã Vạn Phúc.
Đoàn thẩm định của TP Hà Nội đang thẩm định sản phẩm xét công nhận danh hiệu “Làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống Hà Nội” năm 2023 đối với làng nghề mây tre đan thôn 3, xã Vạn Phúc.

Tại buổi thẩm định, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP cho biết, đánh giá theo các tiêu chí về công nhận danh hiệu "Làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống Hà Nội” năm 2023, làng sản xuất mây tre đan thôn 3, xã Vạn Phúc đã đạt các tiêu chí đề ra.

Theo đó, đại diện đoàn thẩm định của TP đề nghị huyện Thanh Trì tiếp tục hướng dẫn xã Vạn Phúc hoàn thiện hồ sơ theo góp ý của các thành viên trong đoàn thẩm định để trình TP xem xét, công nhận. Huyện Thanh Trì và xã Vạn Phúc cũng cần quan tâm đến việc phát triển điểm du lịch tại làng sản xuất mây tre đan thôn 3, xã Vạn Phúc để giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

 

“Khi có thương hiệu và được công nhận làng nghề truyền thống, sản phẩm của làng nghề sẽ được định hướng tiêu thụ tốt hơn, góp phần nâng cao đời sống người dân và sự phát triển kinh tế chung của địa phương”- Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Đỗ Huy Bảo.