Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương trình phục hồi kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP:

Cú hích để lấy đà vượt dốc nhanh hơn

Trâm Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, khi trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị xung quanh việc triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH

Cú hích để lấy đà vượt dốc nhanh hơn - Ảnh 1

Ông nhấn mạnh: Nói “trạng thái bình thường mới” là tất cả các lĩnh vực phải mở. Cần tổ chức tốt việc sống chung với đại dịch với mục tiêu vừa khống chế tốt dịch vừa sản xuất - kinh doanh hiệu quả...

Cần triển khai nhanh hơn nữa

Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, được Chính phủ ban hành ngày 30/1/2022. Ông đánh giá thế nào về sự vào cuộc của các bộ ngành hiện nay?

- Nếu so với Nghị quyết 128 của Chính phủ vào tháng 10 năm ngoái thì Nghị quyết 11 lần này mạnh mẽ hơn, có địa chỉ cụ thể về phân công nhiệm vụ chi tiết, trách nhiệm từng lĩnh vực. Đi kèm theo đó là có các gói tài chính, tiền tệ như một cú hích cho nền kinh tế có động lực, đặc biệt là sau 4 tháng (từ tháng 10 trở về trước) nền kinh tế gần như đóng băng. Nghị quyết 11 đáp ứng mong mỏi của người dân và DN. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế ở thời điểm này là rất cần thiết và phải được gấp rút triển khai.

Qua một tuần triển khai thực hiện Nghị quyết, các bộ ngành có động thái rất tích cực để triển khai trong lĩnh vực của mình. Ví như mở đường bay, du lịch, dịch vụ giải trí xem phim). Các dự án đầu tư công cũng được tăng tốc, học sinh tới trường… Nhưng với tất cả khách quan thấy rằng vẫn còn có nơi còn triển khai rụt rè, vẫn dựa vào cảm tính chứ chưa dựa vào yếu tố khoa học trong quyết sách của mình.

Ví dụ như hiện nay Hà Nội là địa phương có thành tích tiêm chủng rất tốt, và sớm trong cả nước nhưng không tận dụng cơ hội đó; đến giờ có những ngành, dịch vụ Hà Nội còn đi sau các địa phương khác. Các nhà chuyên môn nói tiêm 70% đạt được miễn dịch cộng đồng trong khi Hà Nội tiêm trên 90% là một thành công của Hà Nội, và cần tận dụng thành công đó vào quản lý lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Tất nhiên mới 1 tuần thực hiện Nghị quyết 11, tôi đánh giá là tạm ổn.

Trong 5 nhiệm vụ giải pháp Nghị quyết 11 nêu, bên cạnh mở cửa nền kinh tế còn có gói hỗ trợ. Ông đánh giá sao về các biện pháp hỗ trợ hiện nay, chính sách tài khóa, tiền tệ và an sinh xã hội?

- Việc hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động là không đặt ra trong Nghị quyết 11 này; mà được đặt ra trong Nghị quyết 86 và trước đó. Hỗ trợ ở đây là ổn định việc làm, tạo việc làm mới và khi có việc làm mới hỗ trợ cho DN vay trả lương cho người lao động. Hỗ trợ thông qua chính sách tiền tệ là vay vốn bổ sung thêm vốn tự có để DN có thể đầu tư, có sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh đảm bảo các tiêu chuẩn người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…

Với hơn 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho các DN nhưng phải hỗ trợ được DN đang có thị phần trong nước và thị trường xuất khẩu, khôi phục được sản xuất nhanh nhất, để chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu của chúng ta. Với tình trạng sức khỏe DN hiện rất khó khăn, Chính phủ nên cân nhắc thêm giải pháp bảo lãnh vay. Vì nếu để DN tự vay, số nhận được hỗ trợ lãi suất sẽ không nhiều, khó tiếp cận.

Hay như việc giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) 2% (từ 10% xuống 8%) sẽ giúp Chính phủ hoàn thành hai mục tiêu: Thứ nhất là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ phía hai phía là sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Thứ hai là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, việc giảm thuế VAT phải đảm bảo cung cầu hàng hóa. “Có VAT giảm rồi nhưng có hàng hóa không lại là chuyện khác. Thứ nữa là có giá hàng hóa hợp lý không? Chứ nếu giảm thuế VAT mà giá hàng hóa lại cao hơn thị trường thì việc giảm thuế VAT là điều vô nghĩa. Ngay từ khi chính sách có hiệu lực, cơ quan chức năng phải tiến hành kiểm tra việc tổ chức thực hiện, việc hạch toán có đầy đủ hay không? Cần tiến hành đánh giá việc thực hiện chính sách định kỳ để có thể nhìn nhận rõ tác động của chính sách đến với người dân.

Vấn đề là làm thế nào triển khai nhanh. Công khai các tiêu chí áp dụng chính sách và thông qua đó, có cơ chế giám sát.

Các giải pháp giảm thiểu khó khăn, thách thức

Quá trình phục hồi kinh tế năm 2022 sẽ gặp không ít thách thức (giá hàng hóa tăng, vật liệu tăng, dịch bệnh với chăn nuôi, nhiều DN gặp khó tiêu thụ hàng hóa, nguồn lao động, áp lực lạm phát…). Các giải pháp nhằm giảm thiểu các vấn đề trên là gì?

- Trước hết vấn đề lạm phát, chủ yếu lạm phát của chúng ta đến thời điểm này là do nhập khẩu lạm phát, do hàng hóa trên thế giới tăng nhưng chúng ta có lợi thế là chúng ta xuất khẩu rất lớn nên lạm phát đó được chuyển ra bên ngoài, chỉ có một phần tiêu dùng trong nước bị ảnh hưởng. Yếu tố thứ 2 là trong năm 2021 khi bị dãn cách như vậy nhưng sức mua, tổng mức bán lẻ của thị trường nội địa giảm nên lạm phát 2020 - 2021 đều thấp, dưới 50% so với chúng ta dự báo.

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 - 2023 là 2 năm ngoài ngân sách thường kỳ chúng ta còn bơm thêm gói hỗ trợ ra nữa thì vấn đề điều chỉnh thị trường tiền tệ linh hoạt, bơm ra hút vào làm sao đáp ứng được cung cầu giữa việc tăng trưởng tín dụng với việc hút tiền vào các dự án đầu tư. Thủ tướng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 đã chỉ đạo như vậy.

Vấn đề nữa là chúng ta phải nhìn lạm phát trong trung hạn 3 năm, 5 năm thì cả giai đoạn đó tính lạm phát bình quân năm ở dưới mức 4%. Chính phủ sẽ điều hành kiên quyết để đạt được mục tiêu đó.

Còn tốc độ tăng trưởng, vào tháng 10/2021 khi Quốc hội thông qua các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô 2022 dựa trên kịch bản kinh tế thế giới tốt, kinh tế trong nước phục hồi tốt. Nhưng đến nay các tổ chức thế giới đã hạ tăng trưởng kinh tế thế giới và khu vực. Biến thể Covid xuất hiện, chúng ta chưa dự báo được.

Như vậy yếu tố đầu vào, cơ sở xây dựng kịch bản kinh tế 2022 đến thời điểm này, sau 3 tháng đã có thay đổi rất lớn. Nhưng xu hướng chung của các nước châu Âu và các nước trên thế giới là họ chấp nhận sống chung với Covid trên nền tiêm chủng vaccine. Với tư cách là người làm công tác nghiên cứu chúng tôi xác định chỉ tiêu Quốc hội đặt ra là mục tiêu phấn đấu. Vấn đề đặt ra là hiện nay điều hành làm sao để với kế hoạch vốn như vậy chính sách tiền tệ tài khóa như vậy hiệu quả nhất (tức hỗ trợ người lao động, DN vượt qua được khó khăn).

Nhiệm vụ đặt ra cho Chính phủ rất nặng, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đáng mừng là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01, Nghị quyết 02, gấp rút cải cách hành chính thể chế, môi trường kinh doanh, các giải pháp đột phá, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững...? Quan điểm của ông thế nào?

- Chưa ngày nào Chính phủ tuyên bố không tiếp tục tái cơ cấu. Tác động của đại dịch và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi phải cơ cấu lại nền kinh tế. Cần ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế nhằm khai thác và phát huy lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng, và mỗi DN.

Quan điểm của Chính phủ trong xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế lần này như: Lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá. Lấy cơ cấu lại không gian kinh tế, phát triển kinh tế đô thị, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và vai trò dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn làm nhiệm vụ trọng tâm. Xác định nguồn lực bên trong là chiến lược, cơ bản, lâu dài, quyết định, kết hợp chặt chẽ với nguồn lực bên ngoài để đột phá, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trên cơ sở đa dạng hóa thị trường. Phát triển lực lượng DN của Việt Nam...

Chú trọng cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư công, cơ cấu lại DN nhà nước, tổ chức tín dụng. (Năm nay, nhiệm vụ của chúng ta là cần giải ngân 197.000 tỷ đồng vốn đầu tư công để tạo động lực thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, kéo theo các lĩnh vực dịch vụ phát triển). Bên cạnh đó, cần phát triển đồng bộ hạ tầng và ưu tiên liên kết vùng, kết nối lại thị trường trong nước và quốc tế. Chú trọng triển khai các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nói chung, nhất là các FTA thế hệ mới nói riêng; tổ chức xúc tiến thương mại trực tuyến, quan tâm thúc đẩy phát triển logistics…

Sau năm 2021 vượt khó thành công, mục tiêu phấn đấu đặt ra trong năm 2022 là xuất khẩu đạt trên 356 tỷ USD. Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, giảm chi phí logistics… hỗ trợ DN quảng bá hàng hóa, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới, hỗ trợ DN chuyển đổi số là một số giải pháp trọng tâm nhằm hiện thực hóa mục tiêu này.

Xin cảm ơn ông!

 

"Chương trình lần này với gói tương đương trên 360.000 tỷ đồng. Nó có thể là không lớn vì có người nói cần tới 840.000 tỷ đồng. Vấn đề ở đây Chính phủ đặt ra là tính hiệu quả. Chúng ta không lấy gói này làm thay các hoạt động thường ngày của kinh tế, vì chúng ta đã có kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 rồi. Kế hoạch lần này là bổ sung cho 2 năm 2022 - 2023. Nghị quyết 11 và các chính sách áp dụng là một cú hích để xe lấy đà vượt dốc nhanh hơn. Quan trọng là điều hành theo hướng hiệu quả của nền kinh tế và khi hiệu quả rồi thì những năm tiếp theo tốc độ tăng trưởng sẽ phục hồi."- TS Nguyễn Đức Kiên