Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Cú hích" giúp giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tăng mạnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận xét, trong số 5 ngân hàng thương mại quốc...

Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận xét, trong số 5 ngân hàng thương mại quốc doanh được Chính phủ giao triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là tổ chức tín dụng tham gia tích cực nhất.

Quy mô tín dụng dự kiến của BIDV khoảng 10.000 tỷ đồng và tỷ lệ cho vay là 30% đối với doanh nghiệp và 70% là người mua nhà.

Mặc dù vậy, theo đánh giá chung, tiến độ giải ngân tín dụng cho vay đối với chương trình này là chưa cao so với kỳ vọng ban đầu. Những chính sách mới đây về việc tháo gỡ những khó khăn đầu ra cho các dự án nhà ở xã hội đang được các ngân hàng kỳ vọng sẽ là cú hích giúp tốc độ giải ngân gói tín dụng này có sự gia tăng mạnh.

Sau một thời gian triển khai chương trình tín dụng, trên cơ sở những đề xuất, kiến nghị của người mua nhà và các đơn vị chức năng, Chính phủ đã chấp thuận kéo dài thời gian cho vay hỗ trợ nhà ở từ 10 năm lên 15 năm, đồng thời bổ sung thêm một số đối tượng cho vay vốn theo chương trình tín dụng.

Đại diện ngân hàng BIDV nhận định, chính sách này sẽ góp phần tạo điều kiện để đông đảo người dân có khả năng tiếp cận vay vốn ưu đãi, bởi đối tượng cần được hỗ trợ nhà ở chủ yếu là người lao động thu nhập thấp hoặc trung bình, nên việc kéo dài thời gian cho vay là phù hợp với thu nhập và khả năng trả nợ của đa số khách hàng.

 
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại ngân hàng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại ngân hàng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Dù chính sách đã tác động trực tiếp tới người mua nhà, nhưng cũng gián tiếp tạo điều kiện để tháo gỡ thị trường đầu ra cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại cần chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội. Như vậy, chắc chắn, tốc độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sẽ có sự gia tăng mạnh trong thời gian tới đây.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Phát triển Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), chính sách trên là một hành động kịp thời và hợp lý giúp giảm áp lực trả nợ đối với các đối tượng vay vốn; đồng thời sẽ thu hút thêm được nhiều khách hàng hơn so với việc trước đây, khi mà nhiều người còn rất băn khoăn, cân nhắc về số tiền phải trả nợ hàng tháng.

Hiện tại, BIDV đã phê duyệt cho vay 16 dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội, với tổng số tiền cam kết đạt trên 4.200 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước xác nhận cho BIDV đăng ký nguồn giải ngân gần 1.500 tỷ đồng đối với 13 dự án. So với quý 2 năm nay, cam kết cho vay tín dụng của BIDV tăng 160% và dư nợ cho vay tăng 114%.

Hết ngày 30/9 vừa qua, BIDV đã ký hợp đồng cam kết cho vay đối với 2.586 hộ gia đình và cá nhân với số tiền là 1.160 tỷ đồng.

Đối với tổ chức, BIDV cam kết cho vay 16 dự án với số tiền lên hơn 3.070 tỷ đồng, đã giải ngân 10 dự án với dư nợ cho vay là 700 tỷ đồng.

Cụ thể như dự án nhà ở thu nhập thấp Huế của Công ty Cổ phần Vicoland, dự án khu nhà ở công nhân và thu nhập thấp Hải Dương củ Công ty Licogi 18, dự án nhà ở xã hội An Hòa-Đà Nẵng của Công ty Cổ phần Tập đoàn mặt trời; dự án chung cư CCI-HCM của Công ty Cổ phần Địa ốc Hoàng Quân, dự án nhà ở xã hội Damsan-Thái Bình của Công ty Cổ phần dệt sợi Damsan...

BIDV cũng có cơ chế ưu đãi khuyến khích người dân vay vốn theo gói tín dụng này như: thời gian cho vay tối đa tới 15 năm, thậm chí một số dự án lên đến 20 năm; lãi suất cho vay chỉ 5%/năm (áp dụng trong năm 2014) và lãi suất các năm tiếp theo sẽ thực hiện theo thông báo của BIDV trên cơ sở quy định của Ngân hàng Nhà nước theo từng thời kỳ; thời gian áp dụng mức lãi suất cho vay tối đa là 10 năm đối với những khách hàng mua nhà ở thương mại, nhưng không vượt quá thời điểm 1/6/2023.

Sau thời điểm 1/6/2023, sẽ áp dụng lãi suất cho vay bằng lãi suất huy động vốn kỳ hạn 12 tháng trả lãi sau của BIDV cộng với chênh lệch 2%/năm.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của ông Phan Đức Tú, Tổng Giám đốc BIDV, tiến độ giải ngân tín dụng cho vay đối với chương trình này là chưa cao so với kỳ vọng ban đầu. Một phần là do nguồn cung của các căn hộ thuộc diện được hỗ trợ còn rất thấp.

Dự kiến tới cuối năm nay, đầu năm 2015 lượng căn hộ mới tăng lên. Do vậy, số lượng khách hàng được vay mua nhà tại BIDV còn hạn chế. Một nguyên nhân khác nữa là do thông tin xác nhận của chính quyền địa phương ở nhiều phường, xã không chính xác hoặc không đầy đủ theo yêu cầu, dẫn tới khách hàng không đáp ứng đủ các điều kiện để được vay vốn theo quy định.

Chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội được triển khai từ tháng 6/2013 đến nay đã gần đạt được 1/3 tiến độ và kế hoạch đã định; trong đó doanh số cho vay đối với chủ đầu tư dự án khoảng 9.000 tỷ đồng và cho vay cá nhân để mua nhà ở xã hội là 21.000 tỷ đồng.

Theo số liệu mới nhất do Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản cung cấp, tính đến thời điểm này, trên 7.600 tỷ đồng đã được cam kết cho vay đối với các hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp - chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, tăng 77% so với quý 2 vừa qua.

Dư nợ cho vay đạt xấp xỉ 3.500 tỷ đồng, tăng 35% so với quý 2. Giải ngân tín dụng được 23 dự án/30 dự án cam kết cho vay theo chương trình này.