Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cú hích từ bóng đá Nhật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nhiệm kỳ 7, VFF đặt mục tiêu phải xây dựng mối quan hệ chiến lược với bóng đá Nhật Bản. Họ muốn tranh thủ sự ủng hộ bằng kinh nghiệm, kiến thức và cả vật chất từ Nhật Bản nhằm có được sự phát triển nhanh chóng. Và có vẻ như hướng đi này đang mang đến những hiệu ứng tích cực cho nền bóng đá nước nhà.

Miura và phiên bản 2.0

Ông Miura đang là ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam hiện nay. Một mình nhà cầm quân này đang đảm trách 2 đội tuyển là U23 và Đội tuyển quốc gia (ĐTQG). Quá nhiều trọng trách đang được khoác lên vai ông Miura. Thế nhưng, niềm tin ấy là có cơ sở khi sau vài tháng làm việc, ông Miura đã cho thấy bản lĩnh và tài năng của mình. Thành công lớn nhất mà nhà cầm quân này mang lại chính là định hình được một lối chơi mang bản sắc Việt Nam. Tư duy huấn luyện khác biệt, cách chọn quân khác biệt và quản quân cũng vô cùng khác biệt đã khiến HLV Miura nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của giới chuyên môn cũng như dư luận. Lần đầu tiên, dư luận chứng kiến một HLV rất thư sinh nhưng vô cùng cứng rắn trước những cú giật dây từ hậu trường.

 
Huấn luyện viên Miura trong một buổi luyện tập cùng các cầu thủ Việt Nam.
Huấn luyện viên Miura trong một buổi luyện tập cùng các cầu thủ Việt Nam.
Thành công của ông Miura khiến VFF tự tin hơn trong việc dấn thêm một bước trong mối quan hệ chiến lược với bóng đá Nhật Bản. Thêm một nhà cầm quân khác từ đất nước Mặt trời mọc được giới thiệu sang Việt Nam huấn luyện ĐTQG nữ. Tất nhiên, cũng giống như ông Miura, HLV này cũng nhận được sự đảm bảo về chuyên môn của Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản.

Theo thông tin có được, HLV Norimatsu Aksi đã dẫn dắt các đội tuyển U13, U16, U19 của Nhật Bản. Tuy nhiên, ông chưa từng huấn luyện các đội tuyển bóng đá nữ. Khi là cầu thủ, ông Norimatsu Aksi từng có thời gian thi đấu tại Đức. Cũng vì sự giới thiệu của Nhật Bản mà người ta cảm thấy phần nào an tâm khi vị HLV trưởng ĐTQG nữ không có một bản lý lịch hoành tráng. Theo đó, Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản đảm bảo rằng, họ chỉ giới thiệu những HLV thực sự phù hợp với hoàn cảnh của bóng đá Việt Nam. Đặc biệt, VFF cũng nhận được sự hỗ trợ về mọi mặt từ đối tác của mình để không phải chịu gánh nặng về tài chính khi trả lương.

Thêm nguồn lực cho VFF

Hôm qua cũng là một ngày đặc biệt của VFF khi họ ghi thêm được một bàn thắng quan trọng về mặt thương hiệu và tài chính. Đó là việc VFF ký được bản hợp đồng với nhà tài trợ Yanmar - một DN lớn đến từ Nhật Bản. Như vậy, đến nay, ĐTQG đã có 2 nhà tài trợ đến từ Nhật Bản là Honda và Yanmar.

Ai cũng biết, sự xích lại gần nhau giữa VFF và các DN Nhật Bản có cội nguồn của nó. Mối quan hệ chiến lược giữa liên đoàn bóng đá hai nước đã giúp các DN Nhật Bản hào hứng hơn trong việc đầu tư cho bóng đá Việt Nam. Đáng chú ý, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, thành tích bóng đá không ổn định nhưng tài chính của VFF thậm chí còn gia tăng. Điều này giúp cho tổ chức này có thêm nguồn lực để đầu tư cho các ĐTQG. Đặc biệt ở chỗ, các DN mà VFF ký hợp đồng tài trợ đều sở hữu hoặc tài trợ cho những đội bóng hàng đầu ở Nhật Bản. Điều này hứa hẹn mở ra sự hợp tác về đào tạo, tập huấn và thi đấu cho các ĐTQG sau này. Thế nên, không có gì ngạc nhiên nếu thời gian tới, có nhiều đội bóng Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến. Và ngược lại, có nhiều cầu thủ Việt Nam sẽ sang Nhật Bản du học và thi đấu.