Đây là nội dung được dư luận quan tâm, bởi không chỉ bó gọn trong khuôn khổ từng địa phương đó, việc thí điểm hy vọng sẽ huy động nguồn lực, tạo “cú huých” quan trọng góp phần tạo ra những “đầu tàu”, cực tăng trưởng của cả vùng.
Tính cần thiết, đó là điều hầu hết đại biểu Quốc hội đều đồng tình khi bàn về việc thí điểm các mô hình cơ chế đặc thù, để tháo gỡ các điểm nghẽn, huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội. Qua thực hiện đã thí điểm tại 3 tỉnh, TP lớn cũng cho thấy, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với thế mạnh của từng nơi bước đầu đã phát huy hiệu quả. Qua đó, tạo sự chủ động trong nhiều vấn đề, nhất là kịp thời giải quyết thủ tục, hồ sơ hành chính của người dân, DN... Điều này cho thấy, cơ chế đặc thù đã tạo nên những thay đổi tích cực, cơ cấu tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn. Đặc biệt, người dân, DN được phục vụ tốt hơn.Với 6 cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An và 8 cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thanh Hóa được trình Quốc hội lần này cũng được kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực và tạo ra sự đột phá trong phát triển không chỉ với 4 địa phương, còn lan tỏa ra cả vùng, trở thành đầu tàu kéo các tỉnh xung quanh, góp phần thúc đẩy nhanh hơn sự phát triển trên toàn quốc. Các chính sách khá bao quát từ dư nợ vay, định mức chi thường xuyên, quản lý đất đai và quản lý sử dụng rừng, quản lý quy hoạch đến thu từ xử lý nhà, đất, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức… Và như nhận định đã được đưa ra, không phải ngẫu nhiên, Chính phủ lựa chọn 4 tỉnh, thành này để thực hiện thí điểm một số cơ chế đặc thù, ngoại yêu cầu từ nghị quyết của T.Ư về phát triển đối với các địa phương này, còn bởi chính thế mạnh, tiềm năng cụ thể trong thực tiễn của mỗi nơi.Như các đại biểu đã chỉ ra, trong khi nguồn lực quốc gia còn thiếu và yếu, câu chuyện đi tìm động lực tăng trưởng mang ý nghĩa sống còn trong thời gian qua, nhất là khi đất nước trải qua đợt dịch nặng nề. Tại sao không trao cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương đã phát triển để dễ dàng có thêm dư địa tăng trưởng. Điều đó cho thấy, cơ chế, chính sách đặc thù là đúng hướng, phù hợp với phát triển bền vững của từng địa phương nhất định. Nhưng cũng bởi đã được thực tiễn kiểm nghiệm, nên những kỳ vọng cao hơn cũng được đề cập tới, để địa phương thực sự phát huy được lợi thế riêng, tạo ra sự lan tỏa. Đồng thời, để tránh “đồng phục trong chính sách”, việc nên xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho các vùng kinh tế trọng điểm cũng cần được tính đến. Điều quan trọng nữa là phải đặt cơ chế chính sách trong tổng thể nền kinh tế mà không phải từng tỉnh riêng lẻ, bởi đây mới chính là những động lực tăng trưởng trọng yếu, là liều thuốc đủ mạnh để thúc đẩy các mục tiêu cao hơn.Hơn thế nữa, Nghị quyết chính là cơ hội cho người lãnh đạo tài năng dám nghĩ, dám làm, nên cũng cần những có chế tài trách nhiệm đi kèm, thậm chí cả chế tài để thực hiện đúng, nghiêm, hiệu quả các cơ chế, tránh việc "đổ lỗi" cho lý do khách quan sau này. Cùng với đó, phải tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát khi thực hiện cơ chế đặc thù. Có như vậy, việc thí điểm cơ chế đặc thù mới thực sự tạo “đòn bẩy” cho phát triển.