Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cú ngoặt bất ngờ trên đường đua nền tảng di động

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc Nokia không còn ưu ái Symbian mà chuyển sang hệ điều hành mới của Microsoft sẽ thay đổi trật tự trên thị trường di động, nơi mà cơ hội trở thành kẻ dẫn đầu đang để ngỏ cho cả Android, Windows Phone và iOS.

KTĐT - Việc Nokia không còn ưu ái Symbian mà chuyển sang hệ điều hành mới của Microsoft sẽ thay đổi trật tự trên thị trường di động, nơi mà cơ hội trở thành kẻ dẫn đầu đang để ngỏ cho cả Android, Windows Phone và iOS.

Từ đầu năm 2011, thế giới di động đã rất sôi động với cuộc đua smartphone mỏng nhất, iPhone có thêm bản CDMA, HP giới thiệu điện thoại mạnh nhất với chip 1,4 GHz và Nokia đang kỳ vọng một một tương lai huy hoàng hơn cùng Microsoft. Dù bị chê là cũ kỹ, Symbian vẫn đang là nền tảng dẫn đầu với hơn 37% thị phần. Tuy nhiên, việc không còn được chính "ông chủ" Nokia tin tưởng khiến giới công nghệ ngầm loại nó khỏi sân chơi. Cuộc đua giành vị trí hệ điều hành số một bỗng ngoặt sang một chặng mới.

Ứng viên đầu tiên và dễ đoán nhất cho chức vô địch là Android. Phần mềm mới ra đời cách đây 2 năm của Google đang tiến những bước nhanh nhưng vững chắc và đầy tham vọng để vượt Symbian ngay trong năm nay. Tính riêng quý IV/2010, số lượng thiết bị Android được xuất xưởng cũng nhiều gấp đôi iPhone.

Không chọn phát triển một nền tảng mở cho nhiều đối tác phần cứng như Google, Apple đi theo một hướng khác để xây dựng "hệ sinh thái di động". Với tầm nhìn thiên tài của Steve Jobs, Apple có khả năng cho ra đời các sản phẩm đẹp về thiết kế, đáng tin cậy, dễ sử dụng và làm cho người dùng cảm thấy nó xứng đáng với số tiền họ bỏ ra. Doanh số cao khiến các nhà cung cấp sẵn sàng chấp nhận các điều khoản mà Apple đưa ra và giới phát triển cũng hào hứng viết ứng dụng chạy trên thiết bị của "Quả táo", tạo nên một hệ sinh thái đầy đủ và hấp dẫn.

Quyết định hợp tác giữa Nokia và Microsoft được giới chuyên môn nhận định là cơ hội "trời cho" để Android hoặc iOS bước lên bục chiến thắng. Tuy vậy, Nokia hiện là công ty điện thoại lớn nhất toàn cầu và họ không bỗng dưng từ bỏ hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới dễ dàng như thế. Hãng Phần Lan hẳn phải có niềm tin hoặc lý do riêng để chấp nhận nền tảng chỉ chiếm thị phần chưa bằng 1/7 Symbian. Giám đốc điều hành Stephen Elop (cựu lãnh đạo của Microsoft) tin rằng việc bắt tay với tập đoàn phần mềm số một thế giới sẽ giúp họ đánh bại 4 đối thủ chính là Apple (iOS), Google (Android), RIM (BlackBerry) và HP (webOS) và biến phần mềm Windows Phone thành thỏi nam châm thu hút giới lập trình viên, các nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Khi Microsoft công bố Windows Phone đầu năm 2010, nhiều người cho rằng một hệ điều hành mới ra đời vào thời điểm đó là quá muộn. Nhưng với một hãng đã có nhiều kinh nghiệm tham gia các cuộc chiến nền tảng, Microsoft tin không có khái niệm "trâu chậm uống nước đục" trong công nghệ. Cách đây hơn 20 năm, họ từng vượt qua Apple bằng cách ký kết với hàng loạt hãng phần cứng để tạo ra những hệ thống PC giá rẻ. Vài năm trước, Facebook hạ gục mạng xã hội đang ngự trên đỉnh cao thế giới là MySpace khi cung cấp một nền tảng đủ sôi động để giữ chân hơn 500 triệu người sử dụng.

Trong khi đó, RIM vẫn có một lượng fan trung thành dù các nhà phát triển liên tục phàn nàn rằng rất khó viết ứng dụng chạy trên dòng thiết bị này. Mới đây, trang Bloomberg đưa tin RIM đang phát triển một công nghệ cho phép thiết bị của họ có thể chạy ứng dụng Android. Còn HP lại gặp vấn đề ngược lại: Họ có một nền tảng được đánh giá cao nhưng cơ sở người dùng lại khiêm tốn khiến các chuyên gia không hào hứng xây dựng ứng dụng cho nó. Do vậy, giới chuyên môn nhận định, trong thời kỳ hậu Symbian, cuộc đua sẽ chỉ xoay quanh Android và iOS nhưng vẫn để ngỏ khả năng cho sự phát triển "xuất thần" của Windows Phone.