Cụ Nguyễn Văn Tố - Người hết lòng vì dân, vì nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phố Bát Sứ những ngày đầu Đông, những dòng người hối hả ngược xuôi. Nhưng không phải ai cũng biết, con phố nhỏ này từng là nơi gắn bó gần như cả cuộc đời của một trong tứ kiệt “Quỳnh, Vĩnh, Tốn, Tố” với những đóng góp to lớn cho đất nước từ ngày đầu còn non trẻ.

Những năm 30 - 40 của thế kỷ XX, người Hà Nội không mấy người không biết đến hình ảnh một trí thức người Việt hàng ngày mặc áo the, đóng khăn xếp, từ phố Bát Sứ nhà mình đi bộ đến nơi làm việc tại Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (nhà số 26 phố Lý Thường Kiệt hiện nay). Đó chính là Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố - Trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tương đương chức danh Chủ tịch Quốc hội ngày nay) nhà văn hóa, nhà trí thức toàn tài.
Cụ Nguyễn Văn Tố  (hàng đầu từ trái sang phải) chụp ảnh chung cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ                    Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 (ảnh tư liệu).
Cụ Nguyễn Văn Tố (hàng đầu từ trái sang phải) chụp ảnh chung cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 (ảnh tư liệu).
Ngày nắng cũng như ngày mưa, ông cần mẫn men theo tường phố đến nơi làm việc. Cần mẫn đến mức thành tên “Ông phán men”. Ông không bao giờ mặc âu phục mặc dù làm việc cho một cơ quan nghiên cứu của người Pháp. Bộ “quốc phục” áo the, khăn xếp, giày Gia Định còn theo Nguyễn Văn Tố cho đến sau Cách mạng tháng Tám 1945, cả khi ông đã trở thành vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế - Xã hội của Chính phủ Hồ Chí Minh rồi Trưởng ban Thường trực Quốc hội.

Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố sinh năm 1889, trong một gia đình nhà nho, thuộc làng Đông Thành, nay là phố
PGS.TS Phạm Ngọc Anh - Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, sưu tầm tài liệu về cụ Nguyễn Văn Tố cần thực hiện một số việc cần thiết như xây dựng phòng tư liệu, hoàn thành tiểu sử cụ Nguyễn Văn Tố một cách chính xác, sớm đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là Quốc hội, Ban Bí thư cho phép xem xét lại, cần thiết xét nghiệm lại AND về hài cốt cụ Nguyễn Văn Tố. Trên cơ sở khảo cứu đề tài, xây dựng các khu tưởng niệm, đền đài tri ân cụ Nguyễn Văn Tố để giáo dục con cháu sau này. Đây cũng là cách viết tiểu sử về các bậc tiền nhân có công đóng góp xây dựng đất nước.
Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, ông có những đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Hà Nội nói riêng. Là người hoạt động tích cực trong các tổ chức yêu nước, một nhà trí thức có uy tín, giữ nhiều trọng trách: Hội trưởng Hội Trí Tri, Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ, những năm trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Văn Tố đã cùng với những trí thức yêu nước như Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp tổ chức xóa mù chữ, nâng cao dân trí và ý thức chính trị trong Nhân dân.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ lâm thời và giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Ông đã tổ chức vận động Nhân dân chống “giặc đói” và “giặc dốt”. Kỳ họp thứ nhất, ngày 2/3/1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các đại biểu đã nhất trí bầu Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Trên cương vị mới, ông có những đóng góp quan trọng vào việc ký kết hai văn bản Hiệp định 6/3 và Tạm ước 14/9/1946, tạm thời hòa hoãn thực dân Pháp, giúp Đảng và Chính phủ có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài. Ông còn trực tiếp cùng Quốc hội xây dựng Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà nhiều Điều đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Được Bác Hồ tin tưởng giao giữ chức Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ, Nguyễn Văn Tố có nhiều đóng góp trong việc kiến thiết xây dựng nước nhà. Toàn quốc kháng chiến, ông cùng Chính phủ lên Việt Bắc hoạt động. Tháng 10/1947, trong một lần giặc Pháp cho quân nhảy dù xuống Bắc Kạn âm mưu tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta, ông bị bắt và hy sinh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Cụ Tố hy sinh là một tổn thất lớn cho ta” tại lễ truy điệu vị Bộ trưởng đầu tiên hy sinh trước họng súng quân thù. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự tay viết văn tế truy điệu liệt sĩ Nguyễn Văn Tố.

 Những đóng góp của Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là to lớn như vậy, nhưng thật tiếc là đến nay, vẫn chưa có tiểu sử thật sự chính thống về cụ Nguyễn Văn Tố. Đặc biệt là hài cốt của cụ chưa được khẳng định dù đã có kết quả tìm kiếm bước đầu tại tỉnh Bắc Kạn cách đây gần chục năm. Đó cũng chính là những băn khoăn của các nhà khoa học tại hội thảo “Nguyễn Văn Tố -  Cuộc đời và sự nghiệp” được Thành ủy Hà Nội và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức mới đây. 22 nhà khoa học, lịch sử đã gửi và tham luận trực tiếp cho thấy, việc tìm hiểu về cuộc đời không chỉ thể hiện trách nhiệm mà còn vì lòng yêu mến, ngưỡng mộ tài năng, đức độ của cụ, người không được chỉ quần chúng Nhân dân, các trí thức đương thời mà cả người Pháp cũng phải kính nể. TS Ngô Vương Anh cho biết: “Nguyễn Văn Tố là người Việt Nam duy nhất được phép sửa văn Pháp cho mọi bài viết đăng trên tạp chí của Viễn Đông bác cổ (BEFEO), kể cả bài viết của Giám đốc người Pháp George Coedès”. Cụ có những đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực, từ truyền bá chữ quốc ngữ đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa, lịch sử dân tộc Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu Ngô Thế Long, trong kho tàng sách của cụ, ít người quan tâm, nhưng rất thú vị. Đó là tiếng lóng Hà Nội, đọc cuốn này mới thấy cụ Tố bình dân, thân mật, gắn bó với dân gian Hà Nội thế nào. Chính vì vậy, “Tấm gương của cụ Nguyễn Văn Tố, góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng Thủ đô” - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định.