Cụ ông 85 tuổi say mê sưu tầm tiền Việt Nam qua các thời kỳ

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sưu tầm tiền Việt Nam từ thời Đông Dương cho tới bây giờ cũng chỉ với mục đích giữ lại một chút hoài niệm.

Đó là những chia sẻ của ông Bùi Kim Thanh (85 tuổi) - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình (nhiệm kỳ 1989 – 1994) với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị nhân dịp đất nước chuẩn bị kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2017).

Người trân trọng quá khứ

 Bộ sưu tập tiền Việt Nam qua các thời kỳ của nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Kim Thanh.

Tự nhận bản thân là người sống nhiều với quá khứ và khó quên những dấu ấn lịch sử của đất nước, nên ông Thanh đã sưu tầm nhiều loại đồ cổ, trong đó ý nghĩa nhất là các tờ tiền cổ của Việt Nam từ thời Đông Dương, giấy bạc Bảo Đại chế độ thực dân – phong kiến cho tới loại tiền polymer của nước ta hiện giờ. “Mục đích chính của việc sưu tầm các tờ tiền cổ là để giữ lại cho thế hệ sau này biết được Việt Nam đã trải qua bao nhiêu chế độ, mỗi chế độ có bao nhiêu loại tiền, qua đó nói lên nền kinh tế của đất nước ta từ thời điểm còn đang là một nước thuộc địa – phong kiến, tư bản thực dân…”, ông Thanh chia sẻ.

 Giấy bạc Bộ Tài chính - Ngân khố nước Việt Nam dân chủ cộng hòa lưu hành năm 1945 - 1951.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử đất nước, đồng tiền giấy Việt Nam cũng đã trải qua những biến động thăng trầm. Theo ông Thanh, nếu không kể đến tờ tiền giấy thất bại của Hồ Quý Ly thì giấy bạc Đông Dương được xem là tờ tiền đầu tiên của Việt Nam.

Đồng Đông Dương được người Pháp phát hành và lưu thông trong thời gian từ 1885 đến năm 1954. Tiền này được lưu hành chung ở 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, tiền đồng cũng chính thức được in và lưu thông. Mặt trước tiền đồng có dòng chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” in bằng chữ quốc ngữ, chữ Hán và hình Chủ tịch Hồ Chí Minh…

 Giấy bạc Ngân hàng Đông Dương và giấy bạc Bảo Đại chế độ thực dân - phong kiến.

Để có được một tờ tiền giá trị, không bị ố vàng, rách, nhàu hay cũ là cả một quá trình bảo quản kỹ lưỡng. Mỗi tờ tiền đều sẽ bị ố màu theo thời gian khi tiếp xúc với không khí, đặc biệt là mồ hôi trên tay người. Chính vì thế để bảo quản được những tờ tiền này trong điều kiện khí hậu, thời tiết, độ ẩm trên 80% ở Việt Nam luôn là thử thách đối với ông Thanh. Nguyên Phó Chủ tịch  UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, dù đã dùng đủ mọi cách để bảo quản, song cũng vẫn có một số tờ tiền đã bị bài mòn theo thời gian, bị mờ, rách…

Thực ra, xét về thời điểm hiện tại, những tờ tiền này đều không còn giá trị sử dụng, tuy nhiên xét ở một khía cạnh nào đó, chúng lại là những đồng tiền vô giá. Bởi, những tờ tiền này là một minh chứng rõ nét về đất nước Việt Nam đã trải qua nhiều chế độ.

 Ông Thanh đã sưu tầm những tờ tiền Việt Nam qua các thời kỳ từ khi còn trẻ.

Để thế hệ trẻ không quên công lao của cha ông

 Từ công trái cho tới trái phiếu thời kỳ bao cấp của Việt Nam cũng được ông Thanh lưu giữ cẩn thận.

Chính từ những suy tư và tự nhắc mình không được lãng quên quá khứ, nên ngoài sưu tầm các loại tiền, ông Thanh cũng giữ lại từng cuốn sổ lương thực, từng tấm phiếu tem thời bao cấp. Với mục đích giúp những người trẻ thời nay có điều kiện tìm hiểu về một thời quá khứ đáng ghi nhớ, từ đó thêm thông cảm với thế hệ của ông cha và trân trọng những gì mình hiện có. Sổ gạo, tem phiếu, giấy chuyển lương thực... là những thứ vô cùng quan trọng trong các gia đình thời bao cấp. “Thời bao cấp, mỗi người trong từng khu vực nhất định sẽ được cấp phiếu mua lương thực. Khi đó, thậm chí người có tiền chưa chắc đã mua được”, ông Thanh nói.

 Tem phiếu thời kỳ chế độ bao cấp.

Theo ông Thanh, khi mới đến ở một nơi mới, chưa có sổ mua lương thực thì người dân tạm thời sử dụng tem chuyển lương thực. Tùy theo từng đối tượng mà Nhà Nước phân phối cho sử dụng số lượng thực phẩm, hàng hóa khác nhau. Khi ấy, người có tiền chưa chắc đã mua được tem phiếu. Mục đích sử dụng tem phiếu của Nhà nước là để quản lý kiểm soát nền kinh tế lúc đó còn eo hẹp về mọi mặt.

Ông Thanh cũng đang sưu tầm ảnh của các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong những lần về làm việc tại tỉnh Hòa Bình để lưu giữ.

Bên cạnh việc sưu tầm tiền cổ và các loại tem phiếu thời bao cấp, ông Thanh cũng đang thực hiện sưu tầm những bức ảnh cũ (1949 – 1963) và hiện ông đã sở hữu khoảng 20 bức ảnh chụp với các thế hệ lãnh đạo Việt Nam như nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An… Theo đó, ông đang có kế hoạch tặng bộ sưu tập ảnh này cho nhà lưu niệm của tỉnh Hòa Bình một khi hoàn tất bộ sưu tập ảnh

.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần