Không những thế, vì phân lô bán nền tràn lan mà hàng loạt dự án tại Đà Nẵng nằm trong Kết luận số 2852 của Thanh tra Chính phủ chưa gỡ được.
Lấn sông, bán đất công
Dọc bờ hai sông Hàn, hàng loạt dự án BĐS mọc lên đã gây bức xúc dư luận. Một số dự án đã phá vỡ cảnh quan, chặn hết lối đi của người dân ra bờ sông. Cá biệt có dự án lấn ra lòng sông, cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng dòng chảy, nhất là vào mùa mưa lũ.
Đơn cử Dự án BĐS và Bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex) nằm ở bờ Đông sông Hàn, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) do Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Dự án này nằm dưới chân cầu Thuận Phước, thuộc cửa sông Hàn đổ ra vịnh Đà Nẵng, có tổng diện tích 11,7ha.
Theo công bố, quy mô dự án này gồm 206 căn, trong đó có 128 căn nhà phố, 78 căn biệt thự. Hạng mục lấn sông Hàn của dự án này có diện tích khoảng 1ha, mục đích làm dịch vụ cầu tàu - bến du thuyền. Nhiều sai phạm ở dự án này đã được chỉ ra, trong đó có kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Dự án Marina Complex đã làm “nhức” mắt người dân Đà Nẵng dẫn đến làn sóng phản ứng gay gắt. Ngày 7/5, Đà Nẵng tổ chức hội nghị phản biện với sự tham gia của đông đảo chuyên gia đầu ngành về thủy lợi, quy hoạch đô thị.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu sớm cắm mốc hành lang an toàn thoát lũ thì Đà Nẵng đã không có những dự án lấn sông gây tranh cãi như hiện nay. Sau hội nghị đó, cùng với Marina Complex, một dự án BĐS khác nằm ngay cạnh đã được điều chỉnh quy hoạch, dành vệt 20m dọc bờ sông phục vụ công cộng.
Nút thắt lớn nhất của Đà Nẵng hiện nay là tháo gỡ những vấn đề Kết luận số 2852 của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm đất đai. Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của chính quyền Đà Nẵng trong việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn. Đà Nẵng đang cố gắng khắc phục các sai phạm.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ, việc khắc phục sai phạm đất đai không dễ dàng. Một trong những vụ án dư luận đặc biệt quan tâm là sân vận động Chi Lăng. Trước đó, năm 2010, chính quyền Đà Nẵng bán sân Chi Lăng cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh.
Sau đó, sân Chi Lăng được tách thành 14 lô và được UBND TP cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 10 công ty thành viên của Thiên Thanh vào 2011. Năm 2013, 2014, các công ty này đã thế chấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các lô đất trên để vay vốn tại ngân hàng. Hiện Đà Nẵng đang muốn chuộc lại sân Chi Lăng nhưng rất khó.
Phát triển quá “nóng”
Hàng loạt dự án lấn sông đã phá vỡ cảnh quan, cảnh báo ảnh hưởng đến khả năng thoát nước đô thị Đà Nẵng. Tình trạng phân lô bán nền tràn lan, phát triển quá “nóng” đã khiến Đà Nẵng khan hiếm quỹ đất cho công cộng. Trước áp lực phát triển của đô thị hiện nay, Đà Nẵng đang ngày càng trở nên chật chội, phát sinh nhiều bất cập trong quy hoạch.
Tại Hội thảo đóng góp ý tưởng Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, hôm 23/8 vừa qua, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn bày tỏ: “Xu hướng chia lô bán nền để thu tiền như hiện nay của Đà Nẵng là điều nguy hiểm. Những vị trí rất quan trọng cho cảnh quan như hai bờ sông Hàn mà tiếp tục chia lô bán nền là không hợp lý. Cần phải xem lại cách quản lý về đất đai của Đà Nẵng”.
Trong khi đó, TS Trần Du Lịch - Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, phát triển đô thị ở Đà Nẵng hiện đang có nhiều điểm cộng nhưng ít năm nữa nếu không giữ được sẽ giống các TP khác, vẫn nhà ống, vẫn xe máy…
“Nếu Đà Nẵng thống nhất làm giao thông công cộng thì triết lý này phải gắn liền với phát triển các khu dân cư có độ nén. Mà có nén được thì phải có không gian công cộng, có cây xanh, còn cứ phân lô bán nền, xây dựng nhà phố như hiện nay không thể nào có không gian để phát triển được”- TS Trần Du Lịch cho biết.