Sáng nay, 3/3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Luật Đất đai hiện hành được Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 29/11/2013, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014, được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 6 ngày 20/11/2018 sửa đổi, bổ sung. Sau gần 10 năm tổ chức thi hành Luật, công tác quản lý đất đai đã tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả… Tuy nhiên đến nay, công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế về một số mặt như: Quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững… Những vấn đề đó đặt ra yêu cầu xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai đồng bộ, thống nhất, phù hợp thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Từ đó, ông Nguyễn Anh Tuấn đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các nội dung: Lấy ý kiến và công bố công khai QH, kế hoạch sử dụng đất; các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng, các tiêu chí, điều kiện thực hiện thu hồi đất; việc lấy ý kiến phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC; bồi thường, hỗ trợ, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất và tính khả thi của các quy định này... Đồng thời, đề nghị cho ý kiến về quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoàn thành đăng ký đất đai, trách nhiệm trong từng khâu giải quyết TTHC, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong quản lý và sử dụng đất...
Tham luận tại Hội nghị, Luật sư Lê Gia Ánh- thành viên Hội đồng Tư vấn dân chủ, pháp luật đề xuất, tại Điều 80 Luật Đất đaibvề thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, trong chế tài tổ chức thực hiện còn thể hiện nhiều vướng mắc. Do đó, đề nghị Bộ TN&MT và Sở TN&MT thống kê tổng hợp việc tổ chức thực hiện cũng như đề xuất những quy định rất rõ ràng về các chế tài cho thỏa đáng, phù hợp thực tế về giải quyết tài sản trên đất...
Đề nghị quy định rõ ràng chứ không chung chung “theo quy định của pháp luật” về việc cho, tặng đất..., đặc biệt, Luật sư Bạch Thành Định cho rằng khi giải quyết cưỡng chế thu hồi đất, đối với những xã nằm ở vị trí giáp ranh giữa 2 tỉnh TP cần được xem xét mức bồi thường cho thỏa đáng với những khu đất cùng hiện trạng, để giải quyết những vấn đề đang vô cùng khó khăn hiện nay khi GPMB cho những dự án đường cao tốc đi qua nhiều tỉnh, TP. “Đề nghị đưa vào Luật về việc Hội đồng định giá có thống nhất giữa 2 địa phương trước khi tiến hành bồi thường cho người dân”- Luật sư nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu này, khi định mức giá bồi thường, cần tính toán chi tiết và cụ thể hóa các yếu tố liên quan rất quan trọng như vị trí đất, quá trình và lịch sử sử dụng đất, độ dài mặt tiền thửa đất...
Về vấn đề tranh chấp đất đai, theo ông Bùi Sinh Quyền- thành viên HĐTV về Kinh tế, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, trong Khoản 1, Điều 225 quy định UBND các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan quản lý, sử dụng đất làm căn cứ cho TAND giải quyết theo thẩm quyền khi có yêu cần, rất cần quy định rõ thời hạn cung cấp và chế tài đối với việc chậm trễ hoặc không cung cấp thông tin không có lý do chính đáng của người có trách nhiệm. Như vậy, tránh việc cung cấp bị kéo dài, ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp của đương sự và tạo điều kiện cho tòa án kéo dài thời gian thụ lý giải quyết vụ án, hạn chế tiêu cực trong thụ lý vụ án để đảm bảo theo trình tự bồi thường hỗ trợ, TĐC quy định của Luật Tố tụng dân sự.
Cùng đó, một số đại biểu nêu ý kiến bày tỏ quan tâm nhiều vấn đề liên quan việc giải quyết đất đai tôn giáo, trình tự thủ tục thu hồi đất; đề nghị rõ biện pháp để giảm thiểu khiếu nại đông người, kéo dài về đất đai; bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp...
Tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Anh Tuấn cho biết, với tinh thần khẩn trương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP đã ban hành Kế hoạch 330/KH-MTTQ-BTT ngày 2/2/2023 về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn TP Hà Nội tới các tổ chức thành viên và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn. Việc tổ chức hội nghị góp ý đang được MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên các cấp tích cực triển khai rộng rãi, thông qua nhiều hình thức: Tại hội nghị ĐBND ở các thôn, tổ dân phố; tại các hội nghị góp ý do MTTQ Việt Nam cấp xã, cấp huyện và các tổ chức thành viên tổ chức; lấy ý kiến thông qua hệ thống trang Fanpage của MTTQ Việt Nam các cấp và qua tiếp nhận các văn bản góp ý. Những ý kiến tâm huyết của các đại biểu sẽ được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổng hợp, báo cáo lên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các cơ quan soạn thảo.