Cụ thể hóa quyết sách

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh các trọng tâm chỉ đạo, điều hành và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong tình hình mới. Trong đó yêu cầu "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không".

Đây đều là các biện pháp tổng quát cho hành động của các bộ ngành, địa phương thực hiện tốt trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình giải ngân đầu tư công; công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Hoạt động sản xuất tại May 10. Ảnh: Khắc Kiên  
Hoạt động sản xuất tại May 10. Ảnh: Khắc Kiên  

Mặc dù kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 ghi nhận sự phục hồi đáng khích lệ nhưng vẫn còn nhiều thách thức tiềm ẩn. Bên cạnh những yếu tố khách quan, nhiều thách thức xuất phát từ chính nội tại nền kinh tế khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, 7 tháng mới đạt 34,47% kế hoạch.

Việc triển khai một số chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng văn bản hướng dẫn và giải ngân vốn một số chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN gặp khó khăn. Số ca mắc Covid-19 tăng do sự xuất hiện của biến chủng mới. Công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 tại một số địa phương chưa đạt mục tiêu đề ra...

Từ thực tế trên, Thủ tướng đã có những quyết sách kịp thời và phù hợp với tình hình. 4 ổn định gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường và giá cả; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Ba nội dung tăng cường gồm: Tăng cường nắm tình hình, phản ứng kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; tăng cường hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở và đặc biệt là tăng cường tiêm vaccine; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính.

Trong số các nguyên nhân chủ quan và khách quan, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan là vẫn còn một số tập thể lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu chưa thực sự sâu sát, quyết liệt, chưa bám sát công việc, kiểm tra đôn đốc và đôi khi còn lơ là, chủ quan.

Đơn cử như hiện tượng giá xăng, dầu giảm nhưng giá nhiều loại hàng hóa không giảm gây tác động tiêu cực lên thị trường, bức xúc trong Nhân dân. Không những thế các nỗ lực chỉ đạo điều hành, các biện pháp hy sinh một phần nguồn thu ngân sách để giữ ổn định thị trường, “khoan thư sức dân” để vượt qua những thời điểm khó khăn nhất… sẽ khó phát huy hiệu quả, thậm chí uổng phí, nếu không hạ nhiệt thị trường.

Các DN đang cố gắng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn này nhưng ngoài chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa cần phát huy, trợ lực hơn nữa. Các DN, hộ kinh doanh cần tiếp tục được giảm thủ tục hành chính, tiếp cận các nguồn hỗ trợ để lấy lại đà tăng trưởng, góp phần vào việc kiểm soát lạm phát, bảo đảm các mục tiêu năm 2022 đề ra. Hai nội dung được Thủ tướng nhấn mạnh gồm: Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển DN và tạo công ăn việc làm cho Nhân dân; đẩy mạnh quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công.

Một tiết giảm là tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết.
Một kiên quyết không là kiên quyết không điều hành giật cục, mà khoa học, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, chắc chắn.

Chính phủ hiểu rằng còn nhiều việc phải làm phía trước để đạt những thành quả tốt hơn. Phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, điều hành quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, quyết liệt xử lý các công việc tồn đọng. Tiếp tục có những chính sách đúng và trúng để chính DN, người dân, từng tế bào của nền kinh tế tăng cường sức đề kháng; để DN có đủ năng lực ứng phó khi dịch bệnh kéo dài, tăng cường tiềm lực phục hồi kinh tế nhanh chóng, không để rơi vào tình trạng suy thoái.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần