Cử tri Đà Nẵng mong được nâng cao nhà cửa để chống ngập

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Cử tri quận Liên Chiểu cho biết trận ngập ngày 14/10 vừa qua, người dân hoảng loạn kinh hoàng, những tiếng kêu khóc thảm thiết khắp nơi. Vì thế, cử tri mong chính quyền tạo điều kiện để người dân cơi nới, nâng cao nhà lên nhằm ổn định cuộc sống trong mùa mưa lũ.

Lẽ ra sau bão lũ chính quyền nên đến động viên dân một câu!

Sáng 19/11, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri quận Liên Chiểu báo cáo kết quả kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự lắng nghe ý kiến cử tri và phát biểu với bà con.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Ảnh: Quang Hải
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Ảnh: Quang Hải

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri quận Liên Chiểu đặc biệt quan tâm đến giải pháp chống ngập đô thị của Đà Nẵng để người dân ổn định cuộc sống, đặc biệt sau trận ngập lịch sử ngày 14/10 vừa qua.

Cử tri Mai Thị Trang (ở tổ 47, phường Hòa Khánh Nam) nêu: “Đợt ngập vừa qua, người dân chúng tôi hoảng loạn kinh hoàng, khủng khiếp, không thể tưởng tượng được, những tiếng kêu khóc thảm thiết vang lên khắp nơi. Qua đợt ngập này, cử tri kính mong TP, quận, phường giúp đỡ cho người dân cơi nới, nâng cao nhà lên nhằm ổn định cuộc sống trong mùa mưa lũ”.   

Cũng ở trong khu dân cư bị ngập nặng đợt vừa qua, cử tri Lê Năm (tổ 49, phường Hòa Khánh Nam) nói nhiều nhà dân bị ngập rất sâu và thiệt rất lớn. “Lẽ ra sau bão lũ thì chính quyền nên đến động viên bà con một câu, chứ chúng tôi chưa cần đến sự hỗ trợ. Trong những ngày mệt mỏi đó, chúng tôi chẳng thấy ai đến động viên cả”.

Cử tri Lê Năm đồng thời đề nghị TP cần có những giải pháp chống lũ trong khu vực rốn lũ phường Hòa Khánh Nam.  

Trong khi đó, cử tri Huỳnh Sự (phường Hòa Khánh Nam) cho rằng, quyết định hủy bỏ quy hoạch ga đường sắt Đà Nẵng trên địa bàn quận Liện Chiểu (do Thủ tướng Chính phủ phê duyêt chuyển dự án lên địa bàn huyện Hòa Vang - PV) là tin vui của người dân. Tuy nhiên, cử tri đề nghị sau khi xóa quy hoạch thì chính quyền TP cần đầu tư hạ tầng, hệ thống thoát nước, nâng cốt mặt bằng để người dân có điều kiện xây dựng nhà ở, tránh bị ngập khi mưa lớn.

Cử tri Lê Năm (tổ 49, phường Hòa Khánh Nam) nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Quang Hải
Cử tri Lê Năm (tổ 49, phường Hòa Khánh Nam) nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: Quang Hải

Liên quan các ý kiến cử tri quan tâm trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã có những trả lời. Cụ thể về việc xóa quy hoạch ga đường sắt, ông Minh đề nghị quận Liên Chiểu xây dựng phương án triển khai hạ tầng đô thị sớm để cải tạo, xây dựng các thiết chế văn hóa nhằm ổn định, đảm bảo đời sống của nhân dân. “Hiện TP đang giao cho Sở Xây dựng kết nối những kênh thoát lũ về khu vực để đảm bảo thoát lũ sắp tới”.

Không nên bắt buộc mua bảo hiểm xe máy

Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri Trần Đình Vượng kiến nghị Trung ương cần quan tâm đến chế độ cho người nghỉ hưu sớm, người mất sức lao động.

Còn cử tri Phạm Bá An (phường Hòa Hiệp Bắc) thì đề nghị xem xét lại cách tiếp xúc cử tri. “Đại biểu Quốc hội cần dành thời gian đến tiếp xúc với bà con nhiều hơn” – cử tri An nói.

Bên cạnh đó, cử tri Phạm Bá An cũng kiến nghị không bắt buộc người dân mua bảo hiểm xe máy mà nên tự nguyện. “Người dân mua bảo hiểm xe máy để đối phó với công an chứ không hiểu khi tai nạn xảy ra được bảo hiểm đền bù như thế nào? Đề nghị Quốc hội nên xem xét lại vấn đề bảo hiểm xe máy, nên chuyển qua mua tự nguyện chứ không bắt buộc”.

Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri quận Liên Chiểu báo cáo kết quả kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quang Hải
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tiếp xúc cử tri quận Liên Chiểu báo cáo kết quả kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quang Hải

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã chia sẻ với người dân Đà Nẵng trước những thiệt hại lớn trong đợt mưa lũ vừa qua.

Về mức trợ cấp cho người có công, nghỉ hưu sớm, ông Thưởng cho rằng vẫn còn nhiều bất cập chưa đáp ứng được mong đợi của nhân dân, đặc biệt là những người nghỉ hưu trước năm 1995 mức lương rất thấp so với những người nghỉ hưu sau này.

Quốc hội quyết nghị từ ngày 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp. tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

“Tuy số lượng tăng thêm không lớn nhưng cộng lại cả nước là con số khá lớn. Đây là nỗ lực, cố gắng rất lớn. Đặc biệt một số TP như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, mức hưởng nghèo thành thị cao hơn so với chuẩn quốc gia. Và mức hưởng chuẩn nghèo lên cao thì mức các bộ chính sách và hưởng trợ cấp tăng theo” – ông Thưởng nói.

Về kiến nghị đổi mới công tác tiếp xúc cử tri, ông Thưởng cho rằng đây là nguyện vọng rất chính đáng. Đại biểu Quốc hội cũng mong muốn mỗi lần tiếp xúc có thể gặp được nhiều cử tri để lắng nghe trực tiếp những ý kiến góp ý. Tuy nhiên, do các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm nhiều nên thời gian tiếp xúc cử tri bị giới hạn, không được như mong muốn.

Chiều nay, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự buổi tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần