Cử tri đề nghị công khai, minh bạch cách tính giá điện sinh hoạt

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 26/5, thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục kiến nghị một số vấn đề cụ thể gửi đến Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (đoàn tỉnh Quảng Ninh) phát biểu tại hội trường.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (đoàn tỉnh Quảng Ninh) phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (đoàn tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, việc tiếp nhận, chuyển kiến nghị của cử tri đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thời gian qua đã được Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chú trọng hơn và đạt nhiều kết quả.

Kết quả trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri, của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cũng ngày càng có trách nhiệm và đạt nhiều kết quả hơn.

Theo đại biểu, trước kỳ họp thứ 5, cử tri tỉnh Quảng Ninh tiếp tục kiến nghị với các đại biểu Quốc hội về việc tăng giá điện. Cử tri cho rằng, việc tăng giá điện sinh hoạt do một số nguyên nhân Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có lỗ lớn, kéo dài và do tổn thất của điện năng là chưa phù hợp. Do đó, cử tri đề nghị cần được xem xét bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp hơn cách tính giá điện sinh hoạt. Cần báo cáo rõ Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế như thế nào, giải pháp cắt giảm chi phí, giảm giá thành sản điện sản xuất…

Từ kiến nghị của cử tri, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo rõ để cử tri được biết việc đánh giá tác động trước khi thực hiện tăng giá điện, phương pháp tính giá bán lẻ điện sinh hoạt. Đồng thời, cần làm ró có việc bù chéo giá điện sinh hoạt cho giá điện sản xuất không?.

Quang cảnh phiên thảo luận
Quang cảnh phiên thảo luận

Phát biểu tại phiên thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Thành phố Hà Nội) cho rằng, việc triển khai hoạt động của các đoàn giám sát chuyên đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao và có nhiều đổi mới.

Đại biểu đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ diêm dân làm muối, đặc biệt trong việc có kinh phí để rải bạt ruộng làm muối, làm kho chứa muối, thành phẩm, và giải quyết vấn đề tiêu thụ muối để người dân làm muối bớt khó khăn, phát huy thế mạnh quốc gia thuận lợi cho người làm muối.

Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng, Bộ Tài nguyên, Môi trường cần quyết tâm hơn nữa để xử lý được việc quản lý rác thải thành phố, nông thôn, để chấm dứt việc cung cấp, sản xuất các loại túi nilon khó phân hủy. Ngoài ra, đại biểu đề nghị Bộ Lao động, Thương binh Xã hội quan tâm làm tốt hơn nữa công tác chế độ, chính sách cho người có công.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Thành phố Hà Nội) thảo luận tại hội trường
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Thành phố Hà Nội) thảo luận tại hội trường

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân (đoàn tỉnh Bắc Kạn) đồng tình và đánh giá cao với việc lần đầu tiên Quốc hội đưa nội dung kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV để thảo luận tại kỳ họp này.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho biết, thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Bắc Kạn đã tiếp tục thực hiện giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình tại các xã khu vực 2, khu vực 3 trong 2 năm 2021-2022. Nhưng đến thời điểm hiện nay kinh phí còn nợ phải thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên, phòng hộ sản xuất của năm 2021 và 2022 cho các thôn, tổ, người dân là trên 52 tỷ đồng.

Tháng 6/2022, Bộ Tài chính có Quyết định về việc giao dự toán bổ sung kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, tỉnh Bắc Kạn đã được phân bổ trên 72 tỷ để thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 3, nhưng thời gian cấp kinh phí và các văn bản hướng dẫn muộn nên việc triển khai thực hiện Tiểu dự án một trong năm 2022 tỉnh Bắc Kạn chỉ giải ngân được trên 17 tỷ.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân (đoàn tỉnh Bắc Kạn) 
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân (đoàn tỉnh Bắc Kạn) 

Đại biểu đề nghị Chính phủ đồng ý cho tỉnh được sử dụng một phần kinh phí từ nguồn vốn đã được phân bổ trong năm 2022 của Tiểu dự án 1 để thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên, phòng hộ và sản xuất thuộc các xã khu vực 2, khu vực 3 của 2 năm 2021, 2022…

Cử tri tỉnh Bắc Kạn cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm dành nguồn lực đầu tư công trung hạn, xây dựng mở rộng các tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh miền núi, có tuyến đường ngang nối với đường Hồ Chí Minh, từ đó phát huy hiệu quả của tuyến đường.