Cử tri đề nghị đánh giá toàn diện chất lượng dạy và học trực tuyến, xây dựng chiến lược thích ứng với dịch

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Cử tri đề nghị cần khảo sát, đánh giá toàn diện về chất lượng dạy và học trực tuyến cho học sinh các bậc học, từ đó, xây dựng chiến lược thích ứng trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Đó là một trong những nội dung được đề cập trong Báo cáo tóm tắt tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV được trình tại phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/10.

Sau khai mạc Phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV; Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021.
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp thứ 4 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Cử tri đồng tình tăng cường chống tham nhũng, tiêu cực
Báo cáo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân theo dõi sát và rất vui mừng về thành công của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4, T.Ư đã đưa ra các quyết sách quan trọng tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; quyết sách về phòng, chống, thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế.
Liên quan công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri và Nhân dân đồng tình, ủng hộ chủ trương bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực; hoan nghênh việcđiều tra, truy tố, xét xử những vụ án án lớn, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; mong muốn Đảng, Nhà nước tăng cường giám sát, kiểm tra để tránh xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Về công tác phòng chống dịch Covid-19, cử tri cũng đánh giá, đến nay, đợt dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 đã cơ bản được kiểm soát, kết quả đó rất đáng trân trọng, nhiều quyết sách có tính lịch sử thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Đồng thời ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, người dân, các tổ chức kinh tế trong việc tích cực thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 nhưng chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn. Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều chính sách về cung ứng hàng hóa, chính sách xã hội, việc làm, gói an sinh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; khơi dậy, phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng, nhiều hoạt động thiện nguyện, thiết thực giúp đỡ người dân, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, được cử tri và Nhân dân cả nước đồng tình, đánh giá rất cao.
 Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 2,Quốc hội khóa XV tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Tuy nhiên, cử tri lo lắng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 không đạt, dẫn đến khó đạt được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số lượng lớn người lao động, nhất là trong các khu công nghiệp bị thiếu hoặc mất việc làm, thu nhập bấp bênh; một bộ phận người lao động nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết nhu cầu tài chính trước mắt sẽ có hệ lụy về lâu dài…
Bên cạnh đó, cử tri lo lắng về chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến, nhất là đối với học sinh bậc tiểu học; việc phải tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là các bệnh về mắt của các cháu.
Trước tình hình thực tế, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam kiến nghị giải quyết căn cơ, có tính chất lâu dài về chiến lược vaccine (chú ý vaccine tiêm cho người dưới 18 tuổi); tăng cường đầu tư cho tuyến y tế cơ sở và công tác y tế dự phòng; thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch Covid-19 tích hợp vào căn cước công dân; quan tâm giải quyết thấu đáo các vấn đề an sinh xã hội...
Cùng với đó cần khảo sát, đánh giá toàn diện về chất lượng dạy và học trực tuyến cho học sinh các bậc học, từ đó, xây dựng chiến lược thích ứng trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Xây dựng kế hoạch dạy bù, bổ sung kiến thức cho học sinh đầu cấp bậc tiểu học để đảm bảo chất lượng.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung Báo cáo tổng hợp đã bước đầu tổng hợp được ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, trong điều kiện còn thiếu nhiều báo cáo của cơ quan, địa phương và 63 Đoàn đại biểu Quốc hội. Do đó, đề nghị MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, trong đó có Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp đầy đủ, trung thực ý kiến của cử tri và Nhân dân.
Hạn chế chuyển các kiến nghị của cử tri sang Kỳ họp sau
Về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV do Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày cho thấy, đến nay đã có 807/807 kiến nghị của cử tri được trả lời, đạt 100%. Trong đó, đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời14/14 kiến nghị; Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã trả lời 781/781 kiến nghị; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xem xét, trả lời 5/5 kiến nghị.
 Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quoc hoi.vn
Tuy nhiên, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế: một số bộ, ngành chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị; một số bộ chưa phối hợp chặt chẽ trong công tác tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên còn có quy định khác nhau, chưa bảo đảm công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng…
Ban Dân nguyện kiến nghị các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đến đời sống của Nhân dân. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp, xử lý kiến nghị của cử tri. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang Kỳ họp sau.
Trình bày Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong kỳ báo cáo các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã tiếp 4.331 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 3.350 vụ việc và có 189 đoàn đông người (giảm 50% số lượt người, 35% số vụ việc và 24% đoàn đông so với cùng kỳ năm trước); đã tiếp nhận 33.061 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (giảm 13,83% so với cùng kỳ).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần