Cử tri Hà Đông kiến nghị nhiều vấn đề về dân sinh và giáo dục

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 20/6, tại trụ sở UBND quận Hà Đông, Đơn vị bầu cử số 6, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Hội nghị đã nghe 6 ý kiến của cử tri về các vấn đề dân sinh và giáo dục.

Hội nghị tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Trong đó, tại UBND quận Hà Đông là đầu cầu chính, huyện Thanh Trì, Thanh Oai và các xã trên địa bàn 2 huyện kể trên họp trực tuyến. Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) gồm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn, cùng các ông bà trong đoàn thuộc đơn vị bầu cử số 6 là Phạm Thanh Mai, Phạm Đức Ấn, Đỗ Đức Hồng Hà.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Đoàn ĐBQH đã báo cáo đến cử tri kết quả của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XV và trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền tại kỳ họp tiếp xúc lần trước về nội dung phát triển các dự án nước thải sông Nhuệ, sông Đáy, hệ thống thu gom nước thải phường Kiến Hưng, quận Hà Đông.

Hội nghị đã nhận được 6 kiến nghị của cử tri Hà Đông, Thanh Oai liên quan đến các vấn đề dân sinh và giáo dục. Cụ thể, cử tri Đinh Xuân Vinh, phường Phú Lương, quận Hà Đông kiến nghị về cấp đất dịch vụ trên địa bàn quận Hà Đông, sớm kết luận đất cấp đất ở 5 địa phương trước thuộc huyện Thanh Oai cũ, nay thuộc về Hà Đông bao gồm: Phú Lương, Đồng Mai, Phú Lãm, Biên Giang, Phú La, cấp phép xây dựng sử dụng ổn định, không gây tranh chấp trong Nhân dân.

Cử tri Hà Đông kiến nghị các vấn đề về dân sinh.
Cử tri Hà Đông kiến nghị các vấn đề về dân sinh.

Hiện nay, việc cấp phép xây dựng đang bị dừng, làm ảnh hưởng đến nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Cử tri Nguyễn Quốc Trụ, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông kiến nghị về việc thu hồi đất tại Kênh tiêu La Khê. Năm 2014, 23 hộ dân tại đây đã nộp đủ giấy tờ nguồn gốc đất, năm 2016, họ đã nhận được thông báo thu hồi giai đoạn 1, Nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhưng đến năm 2022, người dân nhận được thông báo sai về nguồn gốc đất. Cử tri Nguyễn Quốc Trụ kiến nghị được họp dân để thông báo đồng thời lắng nghe nguyện vọng của Nhân dân, đảm bảo chính sách đền bù thỏa đáng cho các hộ có đất tại đây.

Cử tri Trần Văn Mận (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông) bày tỏ ý kiến giảng dạy chương trình mới, QH đã quyết định môn Lịch sử là môn bắt buộc và đổi mới, đó là chủ trương đúng đắn của QH. Bộ sách giáo khoa (SGK) quá cao, một bộ môn có quá nhiều sách tham khảo, học sinh mua sách của nhà trường nhưng không dùng đến, các bộ SGK chỉ dùng 1 lần, gây lãng phí cho Nhân dân.

Cử tri Hà Đông kiến nghị nhiều vấn đề về dân sinh và giáo dục - Ảnh 1Cử tri tham gia buổi tiếp xúc cử tri chiều 20/6. 

Ông Lê Đình Vượng (phường Biên Giang, quận Hà Đông) cho biết: Toàn bộ Tổ dân phố Đoàn Kết, Giang Chính, Phú Mỹ nằm trong vùng quy hoạch phân lũ bảo vệ sông Đáy. Các gia đình đều ở đây trước năm 1980. Hiện, các căn nhà đã xuống cấp, nhưng do nằm trong quy hoạch, không được cải tạo, sửa chữa. Rất mong được Nhà nước cho cải tạo để đảm bảo an sinh đời sống.

Ông Trịnh Văn Thảo (phường Hà Cầu, quận Hà Đông) kiến nghị QH và Chính phủ cầu hoàn thiện các quy định đất đai. Về các vụ án tham nhũng, định danh khung hình phạt trong các vụ án vừa qua chưa thỏa đáng. Các vụ án hầu hết rất ít người bị kết án theo án tham ô, tham nhũng. Vì kết án như vậy, tội danh sẽ cao. Chế độ cải tạo của những người lĩnh án trong các vụ án này như thế nào, có đảm bảo công bằng hay không?

Cử tri Nguyễn Tiến Ngọc Tú (xã Kim Thư, huyện Thanh Oai) kiến nghị về các nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng đất; việc tranh chấp đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tinh giảm biên chế, cán bộ công chức là Bí thư, Phó Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã có được nhận chế độ thêm hay không?

Phát biểu tại Hội nghị, ĐBQH - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, đoàn đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của cử tri tại Hội nghị. Những ý kiến giải quyết được sẽ giải quyết theo nguyện vọng của cử tri. Những ý kiến không thuộc thẩm quyền sẽ đề nghị các cơ quan, bộ, ngành giải quyết và trình QH, Chính phủ những ý kiến vượt thẩm quyền.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trả lời ngay những nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục được các cử tri quan tâm. Cụ thể, về việc dạy môn Lịch sử, Bộ GD&ĐT đã có thông tin tiếp thu ý kiến của cử tri đối với bộ môn Lịch sử ngay tại kỳ họp QH vừa qua.

Việc đổi mới môn Lịch sử dự kiến áp dụng trong năm 2022-2023, bao gồm có hợp phần bắt buộc và lựa chọn, trên cơ sở có tính khả thi. Bộ GD&ĐT sẽ sớm có hướng dẫn để các trường thực hiện. Việc biên soạn và xuất bản SGK được thực hiện theo xã hội hóa. Bộ GD&ĐT chỉ thẩm định sách, còn các DN vận hành theo cơ chế thị trường. Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục cũng như các nhà sách khác có giá hợp lý.

Bộ GD&ĐT đã đề nghị mặt hàng SGK được định giá và gửi Chính phủ xem xét. Một số trường học phát hành SGK kèm theo sách tham khảo, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cấp quản lý, giáo viên không được ép buộc học sinh mua sách ngoài những bộ sách do Bộ GD&ĐT. Rất mong các cử tri thông tin cho ngành giáo dục những đơn vị không thực hiện đúng quy định để giải quyết.